Thị trường

Phú Thọ: Đổi mới trong phát triển làng nghề

Tỉnh Phú Thọ xác định: Để phát triển bền vững, thích ứng với cơ thế thị trường đòi hỏi các làng nghề phải đổi mới hình thức, phương thức sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm. Trong đó, yếu tố bảo vệ môi trường (BVMT) vẫn cần đặt lên hàng đầu.

Làng nghề và cách mạng công nghiệp 4.0 / Làng nghề Việt và “cơn lốc” 4.0

Hiện nay, trên địa bàn Phú Thọ có 75 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, tăng 6 làng nghề so với năm 2015, nhiều sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu và uy tín với người tiêu dùng.

Trong sự cạnh tranh quyết liệt của cơ chế thị trường hiện nay, làng nghề mộc Việt Tiến, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao vẫn quyết tâm giữ vững nghề của mình. Với hơn 60 hộ, mỗi năm làng nghề xuất bán ra thị trường gần 5.000 sản phẩm như bàn ghế, giường, tủ, đồ thờ. Trải qua quá trình phát triển, làng nghề dần đổi mới kỹ thuật, cải tiến mẫu mã, sử dụng máy móc nên quá trình làm nghề đỡ vất vả hơn. Từ khi đưa vào sử dụng các thiết bị hiện đại như máy bào liên hợp, máy đục lỗ, máy đục vi tính..., sản phẩm làm ra có độ chính xác cao tới từng chi tiết nhỏ.

Ông Bùi Văn Ngọ - Trưởng làng nghề mộc Việt Tiến cho biết: “Trước đây, đa phần chúng tôi đều làm thủ công, từ năm 2010, người dân đã bắt đầu tiếp cận các loại máy hiện đại giúp sản phẩm tinh tế, sắc nét hơn mà còn BVMT. Công suất, sản lượng và thời gian hoàn thành công việc được đảm bảo. Tuy nhiên, việc đổi mới cách thức sản xuất đòi hỏi phải thời gian dài, vốn đầu tư lớn, máy càng hiện đại, sản phẩm càng đẹp mắt. Nhiều sản phẩm có giá trị cao đến hàng trăm triệu đồng. Song song với duy trì nghề mộc dân dụng, những năm gần đây, xu hướng làm nhà cổ đang quay trở lại, tạo điều kiện thuận lợi để làng nghề phát triển, góp phần tạo nên nguồn thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Năm 2018, doanh thu từ làng nghề đạt trên 70 tỷ đồng".

Làng nghề chế biến chè Đá Hen đã xây dựng được vùng nguyên liệu chè đảm bảo an toàn.
Làng nghề chế biến chè Đá Hen đã xây dựng được vùng nguyên liệu chè đảm bảo an toàn.

Nếu ở Tứ Xã, người dân làng nghề đổi mới bằng việc đưa máy móc, công nghệ vào sản xuất thì người dân ở làng nghề chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê lại chọn một hướng đi mới: chuyển từ chế biến chè thô sang sản phẩm chè xanh an toàn để nâng cao thu nhập. Từ khu 135 của xã, Làng nghề sản xuất và chế biến chè Đá Hen hôm nay có dáng dấp của một thị tứ với những ngôi nhà cao tầng được thiết kế hiện đại, đẹp mắt.

Trước đây, người dân trồng chè theo cách truyền thống, dựa vào kinh nghiệm, ít chú trọng quy trình, kỹ thuật nên chỉ dừng lại ở sản xuất và bán chè thô. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, người dân đã thay đổi tư duy, nhận thức, nắm được các quy trình trồng, chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật, ghi nhật ký theo dõi để tạo nguồn nguyên liệu đầu vào đảm bảo tiêu chuẩn chế biến chè xanh an toàn, góp phần BVMT. Từ đó, các vùng chè an toàn đã được hình thành kết hợp sử dụng máy móc hiện đại, thương hiệu chè xanh an toàn Đá Hen dần được nhiều người biết đến với giá bán dao động từ 170.000 - 300.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Thanh ở khu 12 cho biết: “Các công đoạn sản xuất chè thô đơn giản hơn nhưng sản phẩm chỉ dừng lại ở sơ chế, không có thương hiệu, giá bán thấp. Vì vậy, khi sản xuất chè xanh an toàn, hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn gấp 2 - 3 lần, quan trọng hơn là sản phẩm có bao bì, nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giúp làng nghề từng bước gây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Thời gian tới, ngoài sản xuất sản phẩm chè xanh an toàn, một số hộ sẽ học cách chế biến bột chè xanh phục vụ cho nhu cầu làm đẹp và hương vị trong chế biến thực phẩm”. Toàn làng hiện có trên 40% số hộ chuyển sang chế biến chè xanh, các hộ đã bước đầu tiếp cận với các công nghệ chế biến mới, kết hợp sử dụng máy móc hiện đại như: Máy xao, máy vò, máy sàng, máy hút chân không… để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như BVMT".

Với mục tiêu để hoạt động làng nghề nông thôn ngày càng phát triển và hoạt động hiệu quả, mỗi làng nghề trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực đổi mới, cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, chuyên môn cao, đặc biệt khuyến khích các lao động trẻ tham gia vào hoạt động làng nghề để thích ứng được sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, góp phần lưu giữ nghề truyền thống với các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và BVMT.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm