Thị trường

Vĩnh Phúc: Đảm bảo an toàn lao động tại các làng nghề

Hiện nay, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang phát triển, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động nông thôn. Tuy nhiên, tại một số làng nghề, chủ cơ sở sản xuất và người lao động lại “thờ ơ” trước các nguy cơ mất an toàn lao động (ATLĐ).

Làng nghề hoa giấy Mật Sơn rộn ràng phục vụ Tết Trung thu / Làng nghề và cách mạng công nghiệp 4.0

Trên địa bàn tỉnh có gần 80 làng nghề nhưng hầu hết đều chưa đạt yêu cầu về điều kiện làm việc, bảo hộ lao động và ATLĐ. Người dân làm nghề thiếu kiến thức về ATLĐ, đa số tự rút kinh nghiệm bảo vệ bản thân từ những lần bị tai nạn lao động mà chưa có các giải pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm.

ATLĐ chưa được quan tâm

Làng rèn xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) có truyền thống lâu đời. Nghề rèn không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân xã Lý Nhân, mà còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở các địa phương lân cận, với mức thu nhập trung bình từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, vấn đề ATLĐ lại chưa thực sự được những người làm nghề quan tâm.

Môi trường làm việc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng người lao động chỉ đeo gang tay mỏng, không khẩu trang, kính, mũ...
Môi trường làm việc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng người lao động chỉ đeo gang tay mỏng, không khẩu trang, kính, mũ...

HTX cơ khí Hải Dương do anh Nguyễn Văn Tú làm Giám đốc HTX luôn ồn ã bởi tiếng cắt sắt, tiếng búa đập để rèn những thỏi sắt đỏ rực thành con dao, cái liềm, chiếc cuốc, xẻng... phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Tại xưởng sản xuất của HTX, các vật dụng như: Sắt, máy cắt, máy dập để ngổn ngang, lò than đang bốc mùi khen khét. Môi trường làm việc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng người lao động chỉ đeo gang tay mỏng, không khẩu trang, kính, mũ...

Anh Tú chia sẻ: “Nhiều khi đang làm, than bắn vào tay bị bỏng nhưng tôi cũng không dám dừng lại ngay, bởi máy chạy liên tục. Sau nhiều lần bị bỏng, tôi đã trang bị cho mình găng tay, kính, quần áo bảo hộ. Nghề rèn tuy vất vả, nguy hiểm, nhưng vì đây là nghề truyền thống mang lại thu nhập chính cho gia đình tôi từ bao đời nay nên tôi sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng nghề rèn. Cùng với đó, tôi sẽ chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường, ATLĐ”

Ông Nguyễn Ngọc Vụ, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhân cho biết toàn xã có gần 600 hộ làm nghề rèn, các hộ đều đã đầu tư nhiều phương tiện sản xuất hiện đại như: Máy mài, máy cán thép, máy dập nóng, dập nguội… để nâng cao năng suất lao động, song, cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng. Trước thực trạng đó, UBND xã đã mở các lớp tập huấn về ATLĐ, phòng chống cháy nổ… nhưng các hộ dân vẫn chưa chú trọng đến vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn trong sản xuất.

Người lao động cần tự bảo vệ

 

Là một làng nghề thu hút 250 hộ tham gia, tạo việc làm cho hơn 600 lao động, với mức thu nhập ổn định 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, làng mộc Lũng Hạ (Yên Phương, Yên Lạc) cũng chưa chú trọng đến công tác ATLĐ. Với thâm niên 40 năm làm nghề mộc, ông Kiêu Văn Hì ở thôn 7, làng Lũng Hạ chưa một lần sử dụng các thiết bị bảo hộ lao động dù nhiều lần đã bị tai nạn trong quá trình sản xuất.

Ông nhớ lại năm 2010, do không cẩn thận trong quá trình vận hành máy xẻ gỗ đã bị máy xẻ cưa mất ngón tay út. Từ đó đến nay, ông Hì tự rút kinh nghiệm cho bản thân là phải ngắt điện khi không sử dụng. Người làm mộc bị cưa phải tay, chân ở làng Lũng Hạ không còn là chuyện hiếm, kể cả những người có kinh nghiệm lâu năm. Ông Hì cho biết cả làng có đến 20 người đã bị đứt ngón tay, ngón chân, những người này chủ yếu là lao động chính trong gia đình.

Đã có nhiều bài học về ATLĐ trong làng nghề, song cơ sở sản xuất đồ mộc Văn Tiến của ông Nguyễn Văn Tiến ở thôn 5, làng Lũng Hạ lại coi việc dùng các dụng cụ bảo hộ là việc làm không cần thiết, gây vướng víu. Ông Tiến cho biết cơ sở sản xuất của ông đang thuê 7 thợ, với mức lương từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. "Họ tự có trách nhiệm bảo vệ bản thân trong quá trình sản xuất. Tôi chỉ đầu tư máy hút bụi, còn không phải trang bị thêm bất cứ đồ dùng bảo hộ nào” - ông Tiến nói.

8 năm làm ở xưởng sản xuất gỗ của gia đình ông Tiến, anh Đỗ Văn Mơ, thợ đục, trạm đồ gỗ cho biết cũng nhiều lần bị đục vào tay, gõ phải chân, nhưng anh vẫn không dùng dụng cụ bảo hộ lao động bởi vướng víu và kém năng suất.

Trước thực trạng đó, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều lớp tập huấn hỗ trợ triển khai áp dụng hệ thống quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động tại các làng nghề, phổ biến kỹ năng, nâng cao kiến thức về ATLĐ cho người lao động... Nhưng để hạn chế tai nạn lao động trong các làng nghề, bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng, thì chính người lao động cũng cần tự trang bị phương tiện bảo hộ, kiến thức, kỹ năng về ATLĐ để bảo vệ sức khỏe cho mình.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm