Thị trường

Phụ thuộc giống Trung Quốc, ngành dâu tằm không nhập khẩu được trứng do ảnh hưởng Covid-19

DNVN – Đó là trăn trở chung của ngành nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp dâu tằm tơ, tại Hội nghị Phát triển chăn nuôi tằm bền vững, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại TP. Đà Lạt, hôm 6/3.

Lâm Đồng sẽ có Viện nghiên cứu cây Mắc ca / Lâm Đồng: Kim ngạch xuất khẩu sang Anh đạt 9 triệu USD

Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ở nước ta, nghề trồng dâu, nuôi tằm đã có từ lâu đời và đã trở thành nghề truyền thống. Trong quá trình hình thành và phát triển đã có những bước thăng trầm, cho đến nay chỉ có một số địa phương có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai mới tiếp tục phát triển, tuy nhiên sản lượng tơ tằm của Việt Nam vẫn đứng trong top 5 thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan, Thái Lan).

Lụa tơ tằm của Việt Nam rất được thế giới ưu chuộng nhưng giống tằm vẫn phụ thuộc vào nước ngoài

Lụa tơ tằm của Việt Nam rất được thế giới ưu chuộng nhưng giống tằm vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc quá nhiều

Theo thống kê, hiện nay cả nước có 32 tỉnh có nghề trồng dâu, nuôi tằm; khoảng 10,5 ngàn ha dâu, trong đó vùng tây Nguyên chiếm gần 73%; năng suất dâu đạt 35-40 tấn lá/ha. Từ năm 2009 đến nay, diện tích dâu đã đi vào ổn định. Năm 2019 diện tích dâu tăng lên 11.871 ha, tăng 13,3% so với năm 2018. Sản lượng kén năm 2019 đạt hơn 9.000 tấn, tăng 10,7% so với năm 2018.

Về cơ cấu giống tằm có 2 loại chính là tằm dâu và tằm sắn. Trong đó chủ yếu là tằm dâu gồm giống lưỡng hệ kén trắng cho chất lượng tơ cao và giống đa hệ kén vàng cho chất lượng tơ thấp hơn.

Giống đa hệ kén vàng hiện nay Việt Nam đã chủ động được hoàn toàn nguồn trứng. Tuy nhiên, giống tằm lưỡng hệ cho tỉ lệ tơ và kén cao, hiện nay trong nước chỉ chủ động được 10% giống, còn lại phải nhập từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch vì hiện nay phía nước bạn chưa cho phép xuất khẩu giống thuần, chỉ cho xuất các giống lai.

Đánh giá thực trạng công tác phát triển giống tằm, Trung tâm Nghiên cứu Dâu Tằm Tơ Trung ương nhìn nhận, giống tằm chọn tạo trong nước có sức sống cao, dễ nuôi, nhưng chất lượng tơ thấp, chỉ thích hợp với miền Bắc và miền Trung có khí hậu nóng ẩm và hiện hệ thống nhân giống trong nước đáp ứng được nhu cầu.

 

Giống tằm lưỡng hệ kén trắng chọn tạo trong nước mặc dù có sức sống cao hơn nhưng yếu về chất lượng tơ nên không cạnh tranh được với giống của Trung Quốc. Cả 2 trung tâm nghiên cứu về dâu tằm đã rất nỗ lực chọn tạo được một số cặp lai tứ nguyên mới, có chất lượng tơ kén ngày càng tiến bộ hơn, nhưng cần tiếp tục nỗ lực hoàn thiện thêm.

“Tuy nhiên, hệ thống nhân giống tằm do nhiều nguyên nhân đã bị suy yếu. Thị trường trứng giống tằm không còn nằm trong tay. Việc khắc phục là rất khó khăn, rất cần sự chung tay của Hiệp hội Dâu Tằm Tơ, các doanh nghiệp, các nhà quản lý, nhà khoa học, các cơ sở nuôi tằm con, nông dân và rất cần sự chỉ đạo và hỗ trợ từ Bộ NN&PTNT”, Trung tâm Nghiên cứu Dâu Tằm Tơ Trung ương, kiến nghị.

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ thông tin tại hội nghị

Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ thông tin tại hội nghị

Về phía địa phương, Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, những năm qua, tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm nghề tằm tơ đã có những bước phát triển tốt. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng là địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng sản phẩm dâu tằm tơ, chiếm 80% cả nước với trên 8.500 ha dâu hiện nay đã vào chính vụ và khoảng 15.000 hộ trồng dâu nuôi tằm, trong đó có gần 200 cơ sở nuôi tằm con tập trung.

 

Theo nhịp độ phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu tơ lụa và các sản phẩm từ ngành dâu tằm tơ trên thế giới và trong nước ngày càng tăng. Các nước có truyền thống sản xuất dâu tằm tơ, như: Nhật Bản, Hàn Quốc nay sản xuất rất ít, ngay cả trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về sản xuất dâu tằm tơ những năm gần đây sản lượng cũng giảm xuống cùng với quá trình công nghiệp hóa đất nước. Trong khi đó Việt Nam vẫn tăng đều về sản lượng tơ tằm trong những năm gần đây.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 xảy ra, người nuôi tằm không thể nhập giống tằm lưỡng hệ kén trắng phục vụ cho sản xuất, nên người trồng dâu, nuôi tằm gặp rất nhiều khó khăn, làm thiệt hại lớn kinh tế đầu tư cho trồng dâu. Trước những khó khăn đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT đề nghị xem xét, hỗ trợ giải quyết khó khăn về cung ứng trứng giống tằm để doanh nghiệp, người dân ổn định sản xuất”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiếncác địa phương, các doanh nghiệp chủ động huy động các nguồn lực tham gia xây dựng, nâng cấp hệ thống nhân giống dâu, tằm

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương, doanh nghiệp chủ động huy động các nguồn lực tham gia xây dựng, nâng cấp hệ thống nhân giống tằm.

Hết sức trăn trở trước những khó khăn của ngành dâu tằm tơ bị ảnh hưởng bởi “bão” Covid-19, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, cho biết, sau khi nhận được đề nghị từ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Hiệp hội Dâu Tằm Tơ Việt Nam về việc xem xét, hỗ trợ khó khăn về cung ứng trứng giống tằm, cũng như quá trình sản xuất tơ tằm tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, cũng như tỉnh Lâm Đồng nói riêng, Bộ NN&PTNT đã họp khẩn với các đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn.

 

“Ngay sau đó, tôi đã ký ban hành văn bản “gõ cửa” các Bộ Tài chính, Công thương, Công an, Giao thông vận tải, Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, xem xét, tạo điều kiện thuận lợi trong việc nhập khẩu trứng tằm vào Việt Nam để phục vụ kịp thời phát triển ngành dâu tằm tơ. Qua đó hiện nay, những khó khăn về giống tằm lưỡng hệ đã dần được đáp ứng nhu cầu sản xuất”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chia sẻ.

Để ngành dâu tằm tơ sớm vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển bền vững, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, cho biết, trước mắt, ngành chức năng đang đẩy nhanh tốc độ đàm phán để có thể nhập chính ngạch giống tằm lưỡng hệ kén trắng của Trung Quốc vào Việt Nam để đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng giống sau khi Trung Quốc công bố hết dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) gây ra.

Về lâu về dài, cùng với việc nuôi giữ tằm giống gốc, cần tập trung nghiên cứu để lai tạo các giống tằm cao sản thế hệ mới nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó cần phát triển nghiên cứu để tạo ra các bộ giống dâu – tằm cho năng suất cao, chất lượng tơ tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu của Việt Nam.

“Đề nghị các địa phương, các doanh nghiệp chủ động huy động các nguồn lực tham gia xây dựng, nâng cấp hệ thống nhân giống dâu, tằm, chuyển giao và phát triển sản xuất các giống mới có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo nhu cầu sản xuất dâu tằm tại các địa phương và đơn vị mình”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kêu gọi.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm