Thị trường

Quả mắc ca và mục tiêu trở thành ngành hàng tỷ đô

Dự báo đến năm 2025 và 2030, chênh lệch cung/cầu của sản phẩm mắc ca (cung thiếu so với cầu) trên thế giới là tương ứng 33.600 và 74.000 tấn nhân/năm. Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca.

Xuất, nhập khẩu tăng mạnh nhờ CPTPP và EVFTA / Việt Nam đứng thứ 2 về phục hồi kinh tế

Bắt đầu trồng mắc ca - loại hạt được mệnh danh là "hoàng hậu" của các loại quả khô từ năm 2011, đến nay ông Phạm Văn Sơn (xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, năm nay 520 cây mắc ca trong vườn của ông cho thu hơn 7 tấn quả. So với trồng cà phê, trồng mắc ca đem lại thu nhập cao hơn hẳn, trong khi chi phí đầu tư chăm sóc lại thấp.

Nhu cầu lớn

Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 30/6/2020 cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với tổng diện tích đạt 16.553,8 ha. Năm 2020, dự kiến tổng sản lượng hạt thu được sẽ đạt được khoảng 6.570 tấn hạt tươi (tương đương 4.930 tấn hạt khô). Hiện có 19 cơ sở chế biến mắc ca trên cả nước. Giá bán hạt mắc ca của Việt Nam đã bước đầu thâm nhập được các thị trường lớn, khó tính trên thế giới, điều này mở ra cơ hội tốt cho phát triển trồng mắc ca Việt Nam.

1-46699-9587-1601289498.jpg

Ngành mắc ca Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn mới.

Theo số liệu của các doanh nghiệp hiện nay khoảng 500 tấn hạt mắc ca sản xuất thành sữa hạt, dầu gội, dầu xả; 2.150 tấn sản phẩm hạt sấy (có vỏ), chiếm gần 60% xuất khẩu sang các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc; Còn khoảng 1.460 tấn sản phẩm hạt sấy (có vỏ), chiếm 40% tiêu thụ chủ yếu ở TP. HCM và Hà Nội.

Đặc biệt, dự báo về thị trường trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT cho biết nhóm 22 nước đang sử dụng sản phẩm mắc ca với dân số hơn 2,2 tỷ dân, có tốc độ sử dụng hàng năm tăng bình quân 8% và dự báo sẽ tăng với tốc độ tối thiểu như hiện tại và tiêu thụ ít nhất khoảng 130.300 tấn nhân vào năm 2030.

Đồng thời, người Việt Nam cũng đã bước đầu sử dụng sản phẩm mắc ca. Dự kiến, đến năm 2025 Việt Nam sẽ sử dụng với một lượng nhỏ (0,005 kg/người) và đến năm 2030 là 0,016 kg/người, nâng tổng lượng tiêu dùng lên 1.600 tấn nhân, tương ứng với trên 5.000 tấn hạt khô năm 2030.

Trong bối cảnh sản lượng cung và cầu thế giới đều tăng nhanh với tốc độ cung tăng 9%/năm, cầu tăng 12%/năm. Đến các thời điểm năm 2025 và 2030, chênh lệch cung/cầu (cung thiếu so với cầu) là tương ứng 33.600 và 74.000 tấn nhân/năm. Theo Bộ NN&PTNT, đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca, có thể tham gia vào thị trường sản phẩm này trong giai đoạn 2021-2030, và các năm sau đó.

Dự báo trong thời gian tới, giá bán hạt mắc ca khô thương mại (giá sau khi đã sơ chế, đạt độ ẩm theo quy định là 2-3%) biến động từ 60.000-80.000 đồng/kg, người trồng mắc ca có hiệu quả cao hơn so với trồng cà phê, chè, cao su,...

 

Cần bệ đỡ chính sách

Theo ông Huỳnh Ngọc Huy, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, giờ là thời điểm để Việt Nam có thể tự tin phát triển mạnh và bài bản cây mắc ca, để hướng tới mục tiêu xuất khẩu tỷ USD vào năm 2030.

Ông Huy nhấn mạnh, ngành hàng mắc ca Việt Nam đã được chuẩn bị kỹ và sẵn sàng cho một giai đoạn phát triển mới. Cho tới nay, công suất sản xuất giống mắc ca đã đạt khoảng 2,5 triệu cây giống chuẩn và có thể tăng lên ngay khi cần thiết.

"Quy mô ngành hàng mắc ca ở Việt Nam chưa lớn, đây chính là cơ hội để chúng ta đi theo cách làm bài bản ngay từ đầu, tránh tình trạng phát triển ồ ạt nhưng manh mún, tự phát như một số nông sản khác. Định hướng là mắc ca hữu cơ, bán với giá cao, hướng tới xuất khẩu, trước hết là các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ...", ông Huy nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam kiến nghị cần có chính sách hỗ về đất đai, vốn... để thúc đẩy phát triển ngành hàng này.

 

Về định hướng phát triển cây mắc ca trong thời gian tới, Bộ NN&PTNTkhuyến nghị cần ưu tiên phát triển trồng cây mắc ca xen canh với các cây nông nghiệp theo hướng tận dụng tối đa các diện tích canh tác nông lâm nghiệp, đa dạng hóa các sản phẩm, đồng thời phát triển ngành hàng theo chuỗi sản xuất, từ trồng đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm làm cơ sở đầu tư sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, tiếp tục nhập nội, nghiên cứu chọn tạo các dòng giống mắc ca mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái; đẩy nhanh các bước khảo nghiệm, đánh giá công nhận giống; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng giống cây mắc ca giai đoạn từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đặc biệt, xây dựng hệ thống cơ sở sơ chế, chế biến với quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sơ chế, chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm sản phẩm mắc ca chất lượng cao như: thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm,… phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Đẩy mạnh thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc ca. Khuyến khích các thành phần kinh tế liên kết đầu tư các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống đảm bảo chất lượng,cơ sở chế biến tinh, đa dạng sản phẩm.

"Phát triển ngành công nghiệp phù trợ, logistics nhằm giảm chi phí sản xuất, vận chuyển trong chế biến, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm mắc ca trên thị trường quốc tế, đưa loại hạt này trở thành một trong những ngành hàng quan trọng của ngành Nông nghiệp Việt Nam", Bộ NN&PTNT đề xuất.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm