Thị trường

Quả vải tươi Việt Nam rộng cửa "đi máy bay" tiếp cận thị trường Áo

DNVN - Tại thị trường Áo, quả vải, nhãn tươi đóng hộp thường chỉ có ở các cửa hàng châu Á và hầu hết của Trung Quốc, Thái Lan, gần đây Campuchia có vải tươi. Do đó, cơ hội cho quả vải, nhãn tươi Việt Nam tiếp cận thị trường này rất tiềm năng.

Áp dụng thuế suất thông thường với hàng hóa nhập khẩu từ 15/7 / Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt hơn 20% kế hoạch

Tiềm năng xuất khẩu trái vải, nhãn
Bà Đinh Thị Hoàng Yến - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Áo cho biết, trái vải và nhãn của Việt Nam thơm ngon, nhiều nước, nhiều chất dinh dưỡng cũng như vitamin. Vào chính vụ có sản lượng nhiều, quả to, hạt nhỏ, ngọt hơn. Giá thành hai loại quả này tại Việt Nam thấp so với giá bán tại Áo.
Hoa quả tươi của Việt Nam xuất hiện rất ít ở thị trường Áo, thỉnh thoảng siêu thị Áo có một số hoa quả nhiệt đới như bưởi, dừa tươi, thanh long, xoài, đu đủ không phải là hàng Việt Nam.
Đặc biệt vải, nhãn tươi, đóng hộp thường chỉ có ở các cửa hàng châu Á và hầu hết của Trung Quốc, Thái Lan. Gần đây, Campuchia có vải tươi. Mặt hàng đóng hộp có thời hạn dài hơn và dùng để nấu chè, đồ giải khát. Vải, nhãn khô không được ưa chuộng. Theo quy định của EVFTA, mặt hàng vải, nhãn có mã HS 0810.2090, có thể được hưởng thuế ưu đãi nếu có chứng nhận xuất xứ của EU hoặc Việt Nam.
Phụ trách thương vụ Việt Nam tại Áo chia sẻ, người Áo đã thích ăn vải, nhãn tươi của Việt Nam thì sẽ không ngại bóc vỏ, bỏ hạt vốn không phải là thói quen của người Áo. Trước mắt, Thương vụ đã kết nối thành công mặt hàng vải tươi cho các cửa hàng bán hàng châu Á. Về lâu dài, Thương vụ đang nghiên cứu để tiếp cận với hệ thống siêu thị Áo nhằm gia tăng số lượng tiêu thụ.

Xuất khẩu vải, nhãn của Việt Nam sang Áo năm 2022 đạt 129,9 triệu Euro, chiếm 0,2% tổng kim ngạch nhập khẩu hoa quả của Áo.
Bên cạnh đó, Thương vụ sẽ tận dụng các cơ hội có thể để kết hợp với doanh nghiệp nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại địa bàn phụ trách. Ví dụ như tài trợ cho sự kiện văn hóa do Nhóm các nước châu Á Thái bình dương tổ chức tại Liên hợp quốc nhân dịp Hội đồng Phát triển Công nghiệp UNIDO họp vào đầu tháng 7 tới.
Cũng theo bà Yến, vải, nhãn tươi có thời hạn bảo quản không dài. Do vậy, doanh nghiệp cần tìm tuyến đường hàng không nhanh, thuận tiện và chi phí thấp nhất để có giá chào hàng cạnh tranh. Đồng thời, cần có kỹ thuật, phương pháp bảo quản lâu, kể cả tươi và đóng hộp để bảo đảm mẫu mã đẹp, chất lượng thơm ngon, bổ dưỡng.
Ngoài việc cung cấp đầy đủ bộ giấy tờ làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp có thể cung cấp thêm các giấy chứng nhận chất lượng, hàm lượng sản phẩm, phương thức canh tác và thu hoạch có tính thân thiện với môi trường, chỉ dẫn địa lý (nếu có) để nêu bật tính chuyên biệt của sản phẩm Việt Nam.
Các mặt hàng nhập khẩu nói chung và trái cây nói riêng nhập khẩu vào EU nói chung vào Áo nói riêng phải đáp ứng các quy định về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường, nhu cầu của người tiêu dùng. Hoa quả cũng là mặt hàng đang được người tiêu dùng tăng tiêu thụ, đặc biệt tại các trường học, bệnh viện. Cần đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, đặc biệt đảm bảo dư lượng thuốc trừ sâu hoặc chất bảo quản khi chiếu xạ sản phẩm.
Nền nông nghiệp hiện đại, tiêu chuẩn cao
Nói thêm về nền nông nghiệp và thị trường Áo, bà Yến cho biết, nền nông nghiệp của Áo hiện đại, tiêu chuẩn cao, phát triển bền vững, chuyên môn hoá nâng cao chất lượng. Kết hợp nông nghiệp với du lịch, sản xuất năng lượng để vừa duy trì sản xuất nông nghiệp ở khu vực nông thôn lại vừa bảo tồn thiên nhiên và hiệu quả kinh tế.
Áo có mức độ tự cung tự cấp cao về các loại thực phẩm cơ bản như ngũ cốc, khoai tây, đậu, táo, hành. Người Áo thường ăn hoa quả tươi giữa các bữa ăn. Hoa quả còn được dùng làm salad, sinh tố, nước ngọt, các loại kem, bánh ngọt, mứt kẹo trong chế biến thực phẩm.
Hàng năm, Áo nhập khẩu 1,2 tỷ Euro hoa quả. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 6,8 triệu Euro hoa quả vào Áo, chiếm tỷ trọng 0,5%, cao hơn Trung Quốc 0,2%, Thái Lan 0,1%. Trong đó, mặt hàng vải, nhãn của Việt Nam xuất khẩu sang Áo đạt 129,9 triệu Euro, chiếm 0,2% tổng kim ngạch nhập khẩu hoa quả của Áo.
Áo tuân thủ quy định của EU về bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, môi trường, chỉ dẫn địa lý về xuất xứ, kiểm dịch động thực vật, dán nhãn sinh thái. Việc sản xuất sản phẩm hữu cơ được kiểm tra nghiêm ngặt hơn so với thực phẩm canh tác thông thường, từ trang trại đến sản xuất, đóng gói. Áo là nước đầu tiên trên thế giới thiết lập hướng dẫn chính thức về sản xuất thực phẩm hữu cơ.
Quốc gia này phát triển trồng rau và trái cây hữu cơ tuần hoàn khép kín. Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân bón tổng hợp, không chứa bất kỳ thành phần biến đổi gen (GMO) hoặc chất hỗ trợ chế biến nào. Cùng với đó là đa dạng sinh học để bảo vệ môi trường và trồng trong nhà kính để đối phó với khí hậu khắc nghiệt. Do chi phí sản xuất tăng cao, Áo đang hướng đến thị trường các nước châu Á để bảo đảm an ninh lương thực.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm