Quảng Trị: Hình thành chuỗi giá trị với OCOP
Quảng Ninh: Xây dựng mô hình nuôi tôm sú bền vững / Yên Bái: Làm giàu từ mô hình nuôi vịt bầu Lâm Thượng
Nói đến một trong những đặc sản của tỉnh Quảng Trị, mọi người lại nhắc đến “gà Cùa” ở huyện Cam Lộ vốn lâu nay nổi tiếng thơm ngon, xương nhỏ, mỡ ít, nạc nhiều, thịt thơm và săn chắc nhưng không dai.
Mô hình gà Cùa theo chuỗi
Và dĩ nhiên, gà Cùa cũng là một sản phẩm được huyện Cam Lộ ưu tiên chọn lựa để tham gia chương trình OCOP của Quảng Trị. Nhất là mô hình chăn nuôi gà Cùa an toàn sinh học theo chuỗi giá trị sản phẩm chương trình OCOP.
Trong năm 2019, mô hình chăn nuôi gà Cùa an toàn sinh học theo chuỗi giá trị sản phẩm được triển khai theo các tổ nhóm tại hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa, với quy mô nuôi 8.000 con.
Theo đó, mô hình có 16 hộ tham gia, chia thành 2 tổ hợp tác (THT), mỗi hộ được cấp 500 con. Riêng có 2 hộ tham gia làm gà giống được cấp 1.500 con. Tổng số mô hình là 10.000 con. Trong đợt 1 có 9 hộ được cấp với số lượng 4.000 con. Giống gà được cấp là gà lai Ri 3/4. Số gà giống này được UBND huyện hỗ trợ 50% giá, đồng thời hỗ trợ 50% vắc xin để phòng dịch.
Giới chuyên gia nhận định việc triển khai thực hiện mô hình gà Cùa theo chuỗi giá trị ở huyện Cam Lộ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi, hướng đến xây dựng thương hiệu và là một trong những sản phẩm theo chương trình OCOP.
Song song đó, từ mô hình gà Cùa sẽ hình thành THT, đầu mối sản xuất con giống tại chỗ, liên kết thành viên, hộ cung ứng con giống, thức ăn, tổ chức sản xuất, xúc tiến thương mại, bao tiêu sản phẩm.
Mục tiêu đặt ra cho việc hình thành được chuỗi giá trị sản xuất gà Cùa tham gia vào chu trình OCOP là cuối năm 2020 sẽ nâng cấp thêm 1 sao cho sản phẩm và giá trị gia tăng 1 - 2 lần so với các nông hộ không tham gia chuỗi.
Bên cạnh mô hình này, trong chương trình OCOP hiện nay, lãnh đạo một số Sở NN&PTNT tỉnh, thành phố nhấn mạnh OCOP cần tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đặc biệt là phát triển và củng cố các tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP gắn với xây dựng chuỗi giá trị.
Mặt khác, cần phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với THT, HTX và doanh nghiệp.
Đơn cử như HTX Nông nghiệp Bình Đào ở xã Bình Đào, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) được ghi nhận là một điển hình trong việc hình thành chuỗi giá trị từ việc tham gia cùng chương trình OCOP.
“Hành động tập thể”
Hiện tại, HTX Bình Đào tổ chức 347 hộ nông dân trồng 10 ha mè (vừng) tại các thôn Vân Tiên, Trà Đóa 2 và Phước Long ở huyện Thăng Bình. Mỗi năm, sau khi sản xuất 2 vụ, sản lượng 12 tấn, HTX đã chế biến được 4 tấn dầu mè, cung cấp cho các cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn Quảng Nam và Tp.Đà Nẵng.
Theo ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Bình Đào, 3 tấn hạt mè chỉ có giá 120 triệu đồng, nhưng nếu chế biến thành 1 tấn dầu thì có giá 360 triệu đồng, cao gấp 3 lần. Nông dân có được nguồn thu lớn sau khi cùng HTX phối hợp triển khai OCOP.
HTX Bình Đào cũng đang triển khai một sản phẩm OCOP khác, là nếp Hương Lân. Từ năm 2018, HTX đã phối hợp với 100 hộ dân thôn Vân Tiên trồng 2,3 ha nếp Hương Lân, đạt sản lượng 5,4 tấn, doanh thu 135 triệu đồng. Năm 2019, diện tích canh tác nếp Hương Lân tăng lên 5 ha, sản lượng thu được theo dự tính là 12 tấn, doanh thu đạt 360 triệu đồng.
“Cùng với tăng diện tích, chúng tôi sẽ mở rộng thị trường từ Quảng Nam đến toàn quốc. Thay vì bán nếp, chúng tôi sẽ chế biến thành bánh chưng, bánh tét, nếp sấy, rượu nếp... để đa dạng sản phẩm, tăng nguồn thu, tạo khởi sắc cho đời sống của người nông dân trên địa bàn”, ông Sanh nói.
Cung cấp gà giống cho các hộ tham gia mô hình chăn nuôi gà Cùa
Nhìn từ mô hình chăn nuôi gà Cùa cho đến hoạt động của HTX Bình Đào, các chuyên gia cho rằng việc phát triển kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp có vai trò quan trọng trong đề án OCOP tại các địa phương.
Chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp nói chung, hay trong chương trình OCOP luôn đòi hỏi chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (bao gồm cả thị trường trong và ngoài nước).
Điều này buộc các hộ nông dân phải có được sự thống nhất cao, có được “hành động tập thể” để thực hiện quy trình sản xuất chung theo từng trang trại hay cánh đồng lớn, với quy mô đủ lớn hoặc vùng chăn nuôi gồm nhiều hộ nông dân để có sản phẩm hàng hóa lớn.
Đặc biệt, quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và hoạt động thương mại của nông dân trong OCOP cần được thiết lập trên cơ sở yêu cầu của doanh nghiệp, của thị trường về khối lượng cung ứng, chất lượng hàng hóa, mẫu mã, khối lượng đóng gói…
Đây chính là các yếu tố để nông dân xây dựng hành động tập thể. Hàng hóa nông sản OCOP cần được xác định rõ về số lượng, chất lượng đối với từng thị trường. Yêu cầu chất lượng nông sản đặt ra trên thị trường phải làm căn cứ cơ bản để chương trình OCOP tại các địa phương xây dựng quy trình kỹ thuật cho các mô hình liên kết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines
Mô hình nuôi gà Cùa theo chuỗi ở Quảng Trị trong chương trình OCOP