Quy định chống phá rừng của EU ảnh hưởng đến các doanh nghiệp như thế nào?
Ra mắt giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ / Quỹ Đầu tư phát triển Đà Nẵng cho vay ưu đãi xây nhà ở xã hội
Ngày 16/5/2023, Hội đồng châu Âu (EC) đã thông qua quy định chống phá rừng (EUDR). Theo đó, EU sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông lâm sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020.
Phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Tô Xuân Phúc - Giám đốc chương trình chính sách, thương mại và tài chính lâm nghiệp của Tổ chức Forest Trends về tác động của quy định này đối với doanh nghiệp (DN).
Theo ông, quy định EUDR nhằm mục tiêu gì? Những mặt hàng nào của Việt Nam sẽ bị hưởng và chịu tác động như thế nào?
TS Tô Xuân Phúc: Quy định chống phá rừng của EU nhằm mục tiêu chặn các mặt hàng có quá trình sản xuất liên quan đến phá rừng. Phá rừng bao gồm khía cạnh không bảo đảm quy định luật pháp quốc gia - nơi mặt hàng này được sản xuất. Phá rừng cũng liên quan đến chuyện chuyển đổi rừng hoặc chất lượng rừng giảm để sản xuất các loại hàng hoá đó.
7 mặt hàng chịu tác động từ dự luật này bao gồm: chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ. Các mặt hàng được nuôi hoặc sản xuất từ 7 sản phẩm này như da, socola, giấy in, đồ nội thất, than củi và một số dẫn xuất dầu cọ cũng chịu tác động bởi EUDR.
Với Việt Nam, 3 mặt hàng chịu ảnh hưởng bởi quy định này gồm cà phê, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ.
Chính thức có hiệu lực từ ngày 29/6/2023, nhưng EU cho phép các DN nhập khẩu các mặt hàng này tuỳ theo quy mô của mình có thời gian chuẩn bị cho việc đáp ứng yêu cầu.
Đối với các DN nhập khẩu của EU có quy mô lớn sẽ có 18 tháng để chuẩn bị. Cụ thể, quy định này chính thức áp dụng cho DN nhập khẩu quy mô lớn của EU đến cuối tháng 12/2024.
Tuy nhiên, đối với các DN quy mô vừa và nhỏ, EU cho khoảng thời gian chuẩn bị dài hơn là 24 tháng khi quy định này chính thức có hiệu lực. Theo đó, các DN nhỏ và vừa xuất khẩu 7 mặt hàng trên vào EU sẽ phải thực hiện quy định này vào cuối tháng 6/2025.
Hiện tổng kim ngạch xuất khẩu của 3 mặt hàng gỗ, cao su và cà phê Việt Nam vào EU mỗi năm trên 2 tỷ USD, tuỳ mặt hàng có kim ngạch khác nhau. Trong đó, mặt hàng cà phê xuất khẩu vào EU có kim ngạch lớn nhất khoảng 1,5 tỷ USD mỗi năm. Trên 40% tổng lượng cà phê của Việt Nam được xuất khẩu vào EU.
Với mặt hàng gỗ, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang EU gần 700 triệu USD, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nhập khẩu của EU.
Kim ngạch xuất khẩu cao su tự nhiên và sản phẩm cao su Việt Nam vào EU chiếm tỷ trọng cũng tương đối nhỏ, mỗi năm vào khoảng trên 600 triệu USD trên tổng 5 tỷ USD sản phẩm cao su và cao su tự nhiên xuất khẩu đi tất cả các thị trường.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng gỗ và cao su của Việt Nam vào EU có tỷ trọng tương đối nhỏ, chỉ khoảng 5 - 6% nhưng EU vẫn nằm 1 trong 5 thị trường xuất khẩu chính các mặt hàng này của Việt Nam.
Do vậy, trong tương lai, khi EUDR bắt đầu có hiệu lực thì chắc chắn quy định này sẽ tác động đến một loạt các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.
Doanh nghiệp 3 ngành trên của Việt Nam đã chú ý tới quy định EUDR hay chưa? Và nếu họ không tuân thủ thì thiệt hại là gì, thưa ông?
TS Tô Xuân Phúc: Nhìn chung, các DN có quy mô lớn mà hiện tại đang tham gia các sân chơi lớn với vai trò là nguồn cung của các đối tác, các nhà mua hàng lớn của châu Âu đang thực hiện những quy định tương đối tốt. Mặc dù không trực tiếp nói về quy định này nhưng hình thức quản lý chuỗi cung của họ tương đối ổn.Do vậy, với quy định EUDR, họ cũng không khó khăn trong việc đáp ứng.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra với các DN nhỏ và vừa thì ra sao? Nếu các DN nhỏ và vừa không tham gia vào thị trường EU thì không sao, nhưng trên thực tế có rất nhiều DN nhỏ và vừa là một bộ phận trong chuỗi cung của DN lớn, họ cũng bị ràng buộc bởi quy định EUDR. Vì vậy, thông tin tiếp cận với họ là rất quan trọng.
Tuy nhiên, đến giờ phút này nhóm DN này vẫn chưa tiếp cận được thông tin. Song cũng cần nói thêm rằng, do quy định mới được đưa ra nên chưa có nhiều thông tin để cập nhật cho DN.
Vậy theo ông Chính phủ có thể hỗ trợ gì cho DN trong việc nắm bắt và đáp ứng quy định hiệu quả?
TS Tô Xuân Phúc: Phía Chính phủ đang rất nỗ lực trong việc đưa ra khung kế hoạch hành động để đáp ứng EUDR.
Ngày 4/11, Chính phủ có một cuộc họp rất quan trọng với các tỉnh, ban, ngành có liên quan đến chủ đề này và Chính phủ cũng mời 3 ngành hàng trực tiếp có liên quan quy định tham gia cuộc họp.
Tuy nhiên, có một số việc có thể làm tốt hơn để gia tăng hiệu quả thích ứng quy định của EU.
Thứ nhất là sự liên kết giữa các bộ. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT - đơn vị quản lý về nguồn tài nguyên rừng và Bộ TN&MT - cơ quan quản lý về đất lâm nghiệp cần có sự kết nối tốt hơn, nhất là trong việc chuẩn bị những dữ liệu, thông tin nền để có thể chia sẻ với EU về những rủi ro nếu có giữa việc phát triển các loại hàng hoá này với nguồn tài nguyên rừng của Việt Nam.
Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các tỉnh triển khai kế hoạch khung về thích ứng với quy định. Để đưa những kiến nghị đó vào thực tế thì chắc chắn phải có nguồn lực và thời gian. Với các tỉnh, đây là nguồn thông tin mới, nên không thể kỳ vọng và yêu cầu các tỉnh cập nhật được nhanh và hiểu rõ quy định này.
Do đó, Chính phủ cùng các bộ, ngành cần phối hợp với chính quyền địa phương trong việc phổ cập thông tin cũng như huy động các nguồn lực cần thiết để thực hiện hoạt động này.
Thứ hai, khối DN cũng rất quan trọng để cập nhật thông tin, đặc biệt là những DN trực tiếp đang liên quan đến chuỗi cung xuất khẩu các mặt hàng chịu tác động sang thị trường EU. Những DN lớn có vẻ như họ chuẩn bị tương đối tốt, họ tham gia quản lý chuỗi cung và hình thức quản lý chuỗi cung, truy xuất nguồn gốc tương đối ổn.
Tuy nhiên, như tôi đã đề cập ở trên, những DN là nguồn cung cho các DN lớn đó hoặc các DN chưa tham gia sân chơi của thị trường này thì hiện tại chưa cập nhật thông tin.
Điều rất quan trọng mà tôi muốn nhấn mạnh là dù các DN có thể hiện tại không tham gia thị trường EU nhưng hiện các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada cũng đã cân nhắc cơ chế tương tự như EUDR.
Do vậy, trong tương lai, có thể những cơ chế tương tự sẽ được áp dụng tại các thị trường mới. Không còn cách nào khác, DN Việt Nam cần phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho điều này.
Trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024