Rủi ro cao khi tín dụng tiêu dùng 'vào mùa'
Nông sản thực phẩm Việt trước lựa chọn 'sống còn' ở chế biến sâu / Dệt may được dùng vải Hàn Quốc để hưởng ưu đãi thuế từ thị trường EU
"Bắt sóng" thị trường tiêu dùng tăng mạnh cuối năm để đưa ra các gói vay ưu đãi nhằm kích cầu tăng trưởng tín dụng. (Ảnh: Int) |
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại khẳng định, cho vay tiêu dùng sẽ là trọng tâm trong tháng cuối năm, đặc biệt là mua nhà, mua ô tô, sản phẩm điện tử, điện lạnh…
Nhộn nhịp kích cầu
Trái ngược với "bức tranh xám" tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm, đà tăng trưởng đã bứt phá nhanh trong tháng 10 và 11 khi chỉ qua chưa đầy 2 tháng đã tăng thêm được 2,37% - gấp hơn 2 lần mức bình quân các tháng đầu năm.
Luỹ kế đến 27/11, tín dụng toàn bộ nền kinh tế đã tăng 8,46% so với cuối năm 2019, trong đó dư nợ tín dụng tiêu dùng đang chiếm tỷ trọng khoảng 20,5% tổng dư nợ toàn hệ thống.
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, thương mại trong nước tháng 11tăng 2,3% so với tháng 10 và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng cao 13,2%. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 11/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.590,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhìn vào số liệu này cho thấy mặc dù 10 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng thấp so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đến tháng 11 đã tăng cao, kéo theo mức tăng của cả năm. Thị trường tiêu dùng đang tăng mạnh vào những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021.
"Bắt sóng" thị trường tiêu dùng cuối năm, nhất là dịp giáp Tết Nguyên đán sắp tới tăng mạnh, các ngân hàng đồng loạt tung ra các gói dịch vụ tín dụng tiêu dùng hấp dẫn, với lãi suất từ 5,7%/năm.
Ông Phạm Thành Vinh, Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Đồng Nai cho biết, hiện nay dư nợ cho vay trong lĩnh vực bán lẻ chiếm tỷ trọng khoảng 50% tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh, đạt mức tăng trưởng khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong thời gian tới, Chi nhánh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cho vay ở mảng bán lẻ, các lĩnh vực ưu tiên…, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động kinh doanh.
Tương tự, theo đại diện của BIDV Chi nhánh Biên Hòa, dư nợ cho vay trong lĩnh vực bán lẻ hiện chiếm khoảng 70% tổng dư nợ cho vay của Chi nhánh.
Không chỉ ngân hàng, các công ty tài chính cũng triển khai rộng rãi chuỗi hoạt động khuyến mại kích cầu tiêu dùng kéo dài liên tục từ nay đến Tết Nguyên đán. Điển hình như trong tháng 11, FE Credit tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi cho khách hàng.
Ở góc nhìn tích cực, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng đánh giá, dưới những tác động của dịch Covid-19, mức tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bán lẻ thời gian qua có phần chững lại so với cùng kỳ năm ngoái. Tâm lý của người dân cũng dè dặt, thận trọng hơn đối với các khoản vay tiêu dùng, đầu tư mua nhà, mua ô tô… Vì vậy, các ngân hàng đã tung ra các gói cho vay ưu đãi, giảm lãi suất cho vay vào dịp này để kích cầu các khoản vay tiêu dùng.
Vẫn cần cẩn trọng
Hồi tháng 6/2020, trong văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng đẩy mạnh các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia kinh tế, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, từ đó kích cầu tiêu dùng là một trong 3 động lực tăng trưởng kinh tế hiện nay. Trong bối cảnh tín dụng sản xuất khó tăng trưởng, nhiều ngân hàng đã dựa vào tín dụng tiêu dùng để tăng trưởng.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn của người dân hiện nay vẫn rất lớn, "tín dụng đen" có dấu hiệu tăng nhanh. Vì vậy, phát triển tín dụng tiêu dùng sẽ hạn chế và đẩy lùi được "tín dụng đen".
Đánh giá về tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính có cái nhìn cẩn trọng, cho rằng ảnh hưởng của Covid-19 đã làm nhiều ngành đóng cửa, không hoạt động. Mà cho vay tiêu dùng dựa vào lương, thu nhập để làm đảm bảo cho khoản nợ của người vay.Do đó, việc khuyến khích vay tiêu dùng ngày càng nhiều, khả năng thanh toán của người vay cũng sẽ ngày càng thấp đi do kinh tế vẫn còn khó khăn. Đến một lúc nào đấy, khả năng thanh toán không trả được nợ nữa thì lại phát sinh nợ xấu.
“Quan điểm của tôi là không cấm cản các ngân hàng cho vay tiêu dùng, nhưng cũng không khuyến khích cho vay nhiều, mà vẫn theo hướng thận trọng. Việc cho vay dựa theo năng lực tài chính, cân đối lợi ích của khách hàng chứ không cần thiết phải cố gò ép”, ông Độ nói.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng khẳng định, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng chỉ phần nào giảm tình trạng "tín dụng đen" chứ không thể xóa được "tín dụng đen" do sự trùng lặp về mục đích vay không nhiều. Bởi, phân khúc cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, ngân hàng là các khoản vay tiêu dùng hàng ngày, thiết yếu, còn vay "tín dụng đen" chủ yếu là cờ bạc, lô đề…
“Vì vậy, muốn hạn chế "tín dụng đen" cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía ngành công an”, ông Độ nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông