Thị trường

Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu cải thiện

DNVN - Báo cáo vừa được Bộ Công Thương công bố cho thấy, sản xuất công nghiệp trong tháng 4 có dấu hiệu cải thiện khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn / Tạo động lực cho doanh nghiệp Việt Nam – Luxembourg thúc đẩy hợp tác

Tiếp đà giảm mạnh của chỉ số quản lý thu mua (PMI) ngành sản xuất trong tháng 3 (giảm từ 51,2 điểm xuống 47,7 điểm, tháng 4/2023 chỉ số này giảm còn 46,7 điểm do nhu cầu khách hàng vẫn yếu.
Tuy vậy, sản xuất công nghiệp trong tháng 4 có dấu hiệu cải thiện khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, IIP ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, IIP ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vốn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế nhưng giảm 2,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,5%), làm giảm 1,5 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng chung.
Phân theo địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 52 địa phương và giảm ở 11 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao như: Cao Bằng tăng 26,3%; Lai Châu tăng 22%; Đắk Lắk tăng 21,9%; Tuyên Quang tăng 21%...
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành sản xuất, phân phối điện hoặc ngành khai khoáng giảm giảm như: Quảng Nam giảm 33,4%; Bắc Ninh giảm 18,6%; Vĩnh Long giảm 16,1%...
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/4/2023 tăng 0,7% so với cùng thời điểm tháng trước nhưng giảm 3,5% so với cùng thời điểm năm trước.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn dẫn đến đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến sự sụt giảm sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2023.
Do vây, cần tập trung là bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực. Tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp theo phân công của Chính phủ để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.
Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.
Đặc biệt tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn như rà soát để tiếp tục đề xuất miễn giảm một số khoản thuế, phí. Thực hiện giải pháp về tiền tệ như tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm