Ngành sản xuất tiếp tục gặp khó, đơn hàng suy giảm mạnh
Sản xuất nông nghiệp đạt khá nhưng tiêu thụ gặp khó / Nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Báo cáo mới nhất của S&P Global cho thấy, PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 4/2023 chỉ đạt 46,7 điểm, tiếp tục giảm tháng thứ 2 liên tiếp do nhu cầu suy yếu (tháng 3/2023 đạt 47,7 điểm).
Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam ở dưới ngưỡng 50 điểm, phản ánh hoạt động sản xuất chế tạo đang bị thu hẹp.
Đáng chú ý, dữ liệu cho thấy các điều kiện kinh doanh giảm lần thứ 5 trong vòng 6 tháng trở lại đây và lần giảm này là mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay.
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát của S&P Global cho biết họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn đặt hàng mới trong bối cảnh nhu cầu yếu.
Những khó khăn trong việc thu hút đơn đặt hàng mới thể hiện ở tình trạng cả tổng số lượng đơn đặt mới và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu trong tháng 4/2023 tiếp tục giảm. Trong đó, tốc độ giảm của tổng số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 4/2023 đã nhanh hơn so với hồi tháng 3/2023; số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu giảm với tốc độ chậm hơn.
Bên cạnh đó, tồn kho hàng thành phẩm trong tháng 4/2023 đã tăng lên với mức độ lớn nhất trong 2 năm trở lại đây.
Nhu cầu yếu, thiếu đơn đặt hàng mới cùng tồn kho tăng đã buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm số lượng việc làm cũng như giảm mua hàng hoá đầu vào. Số lượng nhân viên bị giảm trong tháng 4/2023 diễn ra với tốc độ mạnh nhất trong 15 tháng trở lại đây.
Tuy nhiên, theo báo cáo của S&P Global, các doanh nghiệp đang có tâm lý tích cực với kỳ vọng tình trạng nhu cầu yếu hiện nay chỉ là tạm thời và việc phục hồi sẽ diễn ra trong năm tới. Mặc dù vậy, mức độ lạc quan của các doanh nghiệp đang ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay.
S&P Global chỉ rõ, tốc độ tăng chi phí đầu vào trong tháng 4/2023 chậm lại với mức tăng thấp nhất trong giai đoạn tăng kéo dài 35 tháng. Một số doanh nghiệp cho biết giá nguyên vật liệu đầu vào đã giảm. Đối với những chi phí đầu vào tăng, nguyên nhân chủ yếu do giá nhiên liệu và dầu tăng.
Trong bối cảnh áp lực chi phí tăng kết hợp với nhu cầu yếu, các doanh nghiệp đã giảm giá bán hàng đầu ra nhằm thúc đẩy nhu cầu mua hàng. Qua đó, kết thúc giai đoạn tăng giá kéo dài 3 tháng liên tục.
Nhận định về diễn biến chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 4/2023, ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho rằng, ngành sản xuất của Việt Nam dường như đang trải qua một giai đoạn trì trệ khi các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn đặt hàng mới.
"Các nhà sản xuất đã bắt đầu hạ giá bán hàng để cố gắng kích thích nhu cầu và giảm áp lực chi phí, điều đó thúc đẩy doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm dễ dàng hơn. Trên thực tế, giá cả đầu vào đã tăng với tốc độ chậm nhất trong gần ba năm”, ông Andrew Harker cho biết thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 7/11/2024: USD tăng mạnh sau khi Donald Trump giành chiến thắng
Thách thức bủa vây thị trường chứng khoán: Xuống tiền mã ngành nào?
Giá vàng ngày 7/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC trong nước giảm mạnh sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Giải pháp quản lý năng lượng thông minh cho doanh nghiệp
Sau khi ông Trump thắng cử, giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tuần
Đà Nẵng: Lượng khách du lịch lưu trú qua đêm tăng mạnh