Thị trường

Sản xuất tàu thủy thời công nghệ 4.0: Cần phải thay đổi tư duy và cách làm

Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam và Quy hoạch phát triển công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 nhằm định hướng giúp ngành này phát triển.

Ôm hồ sơ từ Nam ra Bắc chỉ để... thẩm định / TP.HCM sẽ có công viên bờ sông dài 8km

Sản xuất tàu thủy thời công nghệ 4.0: Cần phải thay đổi tư duy và cách làm
Đến bao giờ ngành công nghiệp đóng tàu mới tiếp cận được công nghệ 4.0. Ảnh: Trần Quý

Trong các năm 2018, 2019 và đặc biệt là năm 2020, một loạt công ước áp dụng mới cho tàu biển sẽ khắt khe hơn, như các quy định mới của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) hay Hội đồng châu Âu về giám sát, báo cáo và thẩm tra phát thải dioxit cacbon (CO2) từ vận tải biển (EU MRV) quy định nghiêm ngặt điều kiện vận hành của tàu biển về chỉ số giảm phát thải CO2, quản lý hiệu quả năng lượng, quản lý nước dằn tàu…

Trong khi ngành công nghiệp đóng tàu thủy thế giới và khu vực đã và đang tiếp cận với công nghệ 4.0, thì ngành công nghiệp đóng tàu thủy nước ta một thời là “thế mạnh” lại đang bị chững lại.

Ông Vũ Văn Đảo, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí miền Nam (Alpha ECC) cho biết, ông có một doanh nghiệp sản xuất về tàu công nghệ mới bằng vật liệu polypropylen copolym (PPC), nhưng mất đến 6 năm mà không thể phát triển.

“Lỗi” khôngthể phát triển được chỉ vì con tàu này mang công nghệ tiên tiến châu Âu và lần đầu tiên sản xuất tại Việt Nam. Vướng mắc lớn nhất khi tàu muốn xuống được nước phải có đăng kiểm, trong khi độc quyền về đăng kiểm hiện nay là rào cản lớn nhất trong phát triển tàu thuyền và giao thông thủy tại Việt Nam.

Ông Đảocũngđã nhiều lần phản biện với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) từ những năm 2015, đó là bộ cần phải xã hội hóa dịch vụ đăng kiểm. Các nước đều xã hội hóa đăng kiểm, doanh nghiệp cần là cơ quan đăng kiểm đến xử lý ngay. Còn ở Việt Nam, doanh nghiệp gọi thì cơ quan đăng kiểm “ngồi” ở Hà Nội nói không có quy chuẩn, tiêu chuẩn nên không thể đăng kiểm được vì con tàu này của doanh nghiệp... mới quá.

 

Theo Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), năm 2017, giá trị lĩnh vực sửa chữa tàu đạt 488,3 tỷ đồng, bằng 125% kế hoạch; công nghiệp phụ trợ đạt 264,5 tỷ đồng, bằng 123% kế hoạch, trong khi giá trị lĩnh vực đóng tàu chỉ đạt hơn 3.071 tỷ đồng, bằng 69% kế hoạch. Như vậy, chúng ta vẫn đang chú trọng vào việc “nhỏ”, việc “lớn” đóng mớitàuthì còn khiêm tốn.

Nhận định về ngành đóng tàu thủy, ông Ngô Tùng Lâm, Phó Tổng giám đốc SBIC cho biết: “Thị trường vận tải biển trong năm 2017 có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Sự phục hồi của vận tải biển là cơ hội cho ngành đóng tàu vì khi đó mới có sửa chữa, nâng cấp, đóng mới để đáp ứng nhu cầu vận tải. Tuy nhiên, sự phục hồi của thị trường dù đã có dấu hiệu khởi sắc vẫn chưa thể đạt được những bước phát triển lớn so với trước kia”.

Ông Lâm cho rằng, để ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam có thể tham gia cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì cần phát triển những lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Theo đó, khi ngành công nghiệp đóng tàu phát triển sẽ kéo theo hàng loạt lĩnh vực cơ khí cùng phát triển theo.

PSG.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam chưa định hình một tư duy phát triển mới, một chiến lược tổng thể về kinh tế biển. Trong đó, ngành đóng tàu và hàng hải phải giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

Dẫn chứng kinh nghiệm phát triển ngành đóng tàu tại một số nước trong khu vực, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần xác lập đúng chiến lược tầm nhìn dài hạn trong thời gian 30-50 năm cho phát triển của toàn bộ ngành công nghiệp tàu thủy quốc gia. Đồng thời, sử dụng tối ưu và khai thác hiệu quả tổng thể các nguồn lực, phối hợp thống nhất, kết nối mọi doanh nghiệp liên quan tới công nghiệp tàu thủy như SBIC, các cơ sở đóng tàu quân đội, các nhà máy đóng tàu của PVN và cả các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Trong đó, có những chính sách tập trung để phát triển SBIC làm nòng cốt lĩnh vực công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển.

 

“Để ngành đóng tàu phát triển, rất cần các chính sách đặc thù, với các địa chỉ hỗ trợ cụ thể, là các chương trình phát triển ngành đóng tàu được thiết kế tốt, có tầm nhìn xa”, PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết.

Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, Việt Nam cần “chuyển mạnh từ nhận diện sâu sắc sang tầm nhìn chiến lược và hành động quyết liệt, khẩn trương” để không bỏ lỡ cơ hội và lên kịp chuyến tàu cách mạng công nghiệp 4.0 với các nước trong khu vực và thế giới.

Liệu ngành đóng tàu có kịp trở tay để lên kịp chuyến tàu cách mạng công nghiệp 4.0 với các nước trong khu vực và thế giới?

Theo Thanh tra
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm