Thị trường

Số lượng cửa hàng mỹ phẩm tăng mạnh

DNVN - Người Việt Nam đang có xu hướng chăm sóc da nhiều hơn, đặc biệt từ đối tượng nam giới. Theo đó, tốc độ gia tăng số lượng cửa hàng mỹ phẩm toàn quốc đã tăng tới 40%, từ 87 trong năm 2021 lên 124 cửa hàng trong năm 2022.

Tỷ giá ngoại tệ ngày 21/5/2022: Đồng USD tăng trở lại / Giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng "phi mã" giữa lúc giá thịt lợn hơi giảm

Bán lẻ mỹ phẩm tiếp tục tăng
Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng chú trọng tới thẩm mỹ và chăm sóc sức khỏe. Điều này là do nhu cầu sử dụng mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da đang tăng cao. Đây cũng là lĩnh vực không bị ảnh hưởng bởi đại dịch hay thăng trầm của thị trường.
Theo Mintel, công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang có giá trị khoảng 2,3 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm chăm sóc da được ưa chuộng nhất, với hơn 60% người tiêu dùng sử dụng mỗi ngày.
Trong khi đó, nghiên cứu của Statista cho thấy, tốc độ gia tăng số lượng cửa hàng mỹ phẩm toàn quốc tăng 40%, từ 87 trong năm 2021 lên đến 124 cửa hàng trong năm nay. Phần lớn cửa hàng tập trung tại hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Số lượng cửa hàng mỹ phẩm toàn quốc tăng mạnh.
Đánh giá về thị trường này, bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc bộ phận cho thuê thương mại của Savills Việt Nam, cho biết: Năm 2019, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đạt 6,6% GDP. Chỉ số này dự kiến sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép là 10,7% vào năm 2022. Trong đó, dẫn đầu về doanh thu là các sản phẩm chăm sóc da.
"Điều này là do người Việt Nam đang có xu hướng chăm sóc da nhiều hơn, đặc biệt từ đối tượng nam giới. Bên cạnh đó, với bản chất tiêu dùng hàng ngày, khối lượng tiêu thụ sản phẩm sẽ gia tăng tương xứng với nhu cầu của khách hàng", bà Minh nhận định.
Các thương hiệu mỹ phẩm quốc tế lớn đang dành nhiều sự quan tâm cho thị trường nội địa. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu châu Âu và châu Á, như Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, đang tích cực tìm kiếm cơ hội gia nhập và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Tìm kiếm cửa hàng vật lý để khách hàng trải nghiệm
Cũng theo bà Minh, việc kinh doanh trực tuyến các sản phẩm thuộc lĩnh vực mỹ phẩm đang ghi nhận nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu mỹ phẩm thuộc phân khúc cao cấp vẫn sở hữu nhu cầu cao trong việc tìm kiếm mặt bằng. Họ mở cửa hàng vật lý với mục đích cung cấp trải nghiệm cũng như giúp khách hàng thử nghiệm sản phẩm mới.
"Điều này có thể là do người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sản phẩm dựa trên trải nghiệm thực tế, thay vì đơn thuần thông qua các kênh quảng cáo. Bởi vậy, với từng chiến lược khác nhau, các đơn vị bán lẻ sẽ triển khai những mô hình kinh doanh phù hợp, có thể chỉ bán hàng trực tiếp hay trực tuyến, hoặc kết hợp cả hai", bà Minh nói.
Các hãng mỹ phẩm từ châu Á đang chiếm thị phần chính tại thị trường Việt Nam. Họ đã và đang lập kế hoạch đầu tư vào Hà Nội với kỳ vọng lớn. Khi gia nhập, các thương hiệu này thường dành một khoản đầu tư lớn vào cửa hàng đầu tiên. Họ có xu hướng tìm kiếm mặt bằng nhà phố, với vị trí “vàng” và độ nhận diện cao. Bên cạnh đó, ý tưởng thiết kế hấp dẫn, sáng tạo cũng là yếu tố để thu hút khách hàng. Trái lại, đối với các cửa hàng tiếp theo, các thương hiệu mỹ phẩm sẽ tìm đến mặt bằng tại trung tâm thương mại (TTTM) lớn với chi phí đầu tư mặt bằng thấp hơn.
Theo báo cáo thị trường quý I/2022 của Savills, nguồn cung TTTM tăng ổn định 1% hàng năm kể từ năm 2019. Trong năm 2022, 151,817 m2 nguồn cung mới đến từ 11 dự án sẽ gia nhập thị trường. Trong đó, TTTM và khối đế bán lẻ, mỗi loại hình sẽ chiếm 50% tổng nguồn cung tương lai. Bởi vậy, đây vẫn được coi là mảnh đất màu mỡ dành cho các doanh nghiệp mỹ phẩm cao cấp đang có mong muốn mở rộng mặt bằng.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm