Tài chính - ngân hàng

Bảo hiểm rủi ro thiên tai: Cơ hội nào cho Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu?

DNVN - Theo chuyên gia Lê Hồng Ngọc - Viện Địa lí nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Việt Nam đã bắt đầu xem xét bảo hiểm rủi ro thiên tại như một hình thức quản lý rủi ro thiên tai. Bảo hiểm rủi ro thiên tai đang tạo cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu làm rõ tình trạng ngân hàng ép khách mua bảo hiểm / Bí quyết hạn chế tóc bết khi đội mũ bảo hiểm

Chuyên gia Lê Hồng Ngọc cho biết, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, bảo hiểm rủi ro thiên tai được coi là một công cụ tài chính cho rủi ro hiệu quả trước biển đổi khí hậu. Tuy nhiên, loại hình bảo hiểm này lại chưa thực sự phổ biến không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu.

Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có nông nghiệp là lĩnh vực được thực hiện bảo hiểm rủi ro thiên tai và nhóm các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm Việt Nam chưa có sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai riêng biệt.

Trong khi đó, thực tiễn thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam những năm qua cho thấy, thiên tại và biến đổi khí hậu có tác động rất phức tạp và ảnh hưởng đến một phạm vi rộng lớn các địa phương và ngành nghề. Do đó, việc mở rộng phạm vi được hỗ trợ bởi bảo hiểm rủi ro thiên tại là rất cần thiết.

Việt Nam đã bắt đầu xem xét bảo hiểm rủi ro thiên tại như một hình thức quản lý rủi ro thiên tai.

Đánh giá về cơ hội từ một số cơ chế bảo hiểm rủi ro thiên tại mà Việt Nam tham gia, ông Ngọc cho rằng, ở quy mô toàn cầu, năm 2021, Việt Nam là một trong 10 quốc gia đầu tiên tham gia Cơ chế Bảo hiểm và tài chính cho rủi ro mới của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc.

Theo sáng kiến cam kết của cơ chế này, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu được nhận hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc, Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế của Liên bang Đức, Diễn đàn Phát triển Bảo hiểm, 10 doanh nghiệp bảo hiểm và tái bảo hiểm lớn nhất thế giới nhằm xây dựng các giải pháp tài chính rủi ro khí hậu và bao trùm trên nhiều lĩnh vực, với tổng giá trị vốn rủi ro lên đến 5 tỷ USD.

Ở quy mô khu vực, năm 2022, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 8 của Cơ chế bảo hiểm rủi ro thiên tại Đông Nam Á thuộc Sáng kiến ASEAN+3 (các quốc gia thuộc ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) hợp tác với Ngân hàng Thế giới.

Cơ chế này cung cấp các khoản tài trợ cứu trợ thiên tai và giảm sự phụ thuộc vào việc phân bổ ngân sách và viện trợ nhân đạo trong trường hợp thiên tai xảy ra, cải thiện khả năng tiếp cận tái bảo hiểm quốc tế và thị trường vốn thông qua sự chịu chung rủi ro ở cấp độ khu vực và tiếp cận tập thể đối với các thị trường, cấp quyền tiếp cận hàng hóa công dành cho các quốc gia Đông Nam Á dựa trên quy tắc cho phép Chính phủ lập kế hoạch viện trợ và thu hút tài trợ quốc tế trước khi thiên tai xảy ra.

Đáng chú ý, cơ chế này không giống như hình thức bảo hiểm bồi thường truyền thống. Các quốc gia tham gia cơ chế sẽ xác định mức phí bảo hiểm mà quốc gia có thể chi trả và công ty bảo hiểm rủi ro thiên tại Đông Nam Á sẽ tính toán mức độ bảo hiểm tương ứng mà công ty có thể cung cấp.

Trong đó có tính đến nhiều yếu tố trong quá trình thiết kế sản phẩm bảo hiểm riêng phù hợp với điều kiện của từng quốc gia.

Ngoài ra, việc tái bảo hiểm cũng được thực hiện nhằm bảo đảm công ty bảo hiểm luôn có thể đáp ứng các yêu cầu bồi thường đủ điều kiện với các khoản thanh toán kịp thời trong mọi tình huống và cấp độ thiên tai xảy ra.

Việc tái bảo hiểm cũng tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn và nâng cao khả năng cung ứng của công ty bảo hiểm đối với các giới hạn bảo hiểm cao hơn.

Không chỉ trong khuôn khổ các cơ chế bảo hiểm rủi ro thiên tại mới được thành lập, Việt Nam cũng đã và đang hưởng lợi từ sự hỗ trợ của các tổ chức khu vực và quốc tế. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là một trong những tổ chức hỗ trợ Việt Nam trong việc huy động các nguồn lực ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Cũng theo ông Ngọc, các công cụ tài chính như tín dụng, bảo hiểm… đều là các nguồn tài chính cần thiết để ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Việc huy động được nguồn tài chính này từ các khu vực công, tư và quốc tế đều là cơ hội để Việt Nam có thêm nguồn lực để phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu cũng như đạt được những cam kết, thỏa thuận về khí hậu toàn cầu.

Theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, từng cấp độ rủi ro thiên tai và điều kiện đặc thù của quốc gia sẽ có những công cụ tài chính phù hợp. Cơ chế bảo hiểm rủi ro thiên tại Đông Nam Á chỉ thực hiện cho thiên tai ở cấp độ trung bình và nghiêm trọng chính là cơ hội cho Việt Nam trong trường hợp ngân sách Nhà nước và các quỹ dự phòng không có khả năng bao trùm được tổn thất do thiên tai gây ra.

“Việc triển khai bảo hiểm rủi ro thiên tai cũng đem lại cơ hội cải cách và đổi mới cách thức xây dựng quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển chung của Việt Nam có sự lồng ghép các vấn đề thiên tai, biến đổi khí hậu và bảo hiểm, tài chính cho rủi ro trong tất cả các lĩnh vực.

Qua đó, xây dựng một cơ chế vận hành bảo hiểm rủi ro thiên tai về dài hạn, thành lập quỹ bảo hiểm rủi ro thiên tai, định hướng và phát triển thị trường bảo hiểm; tạo cơ hội mở cho thị trường bảo hiểm của Việt Nam và cho các nhà đầu tư vào thị trường bảo hiểm trong việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu”, ông Ngọc cho biết.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm