Để đạt được mục tiêu “kép”, Việt Nam cần đầu tư 6,8% GDP mỗi năm
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững ngành hàng không / Khai thác sức mạnh văn hoá kinh doanh để phát triển bền vững
Tăng trưởng xanh được xác định là xu hướng tất yếu trong chính sách phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh đòi hỏi phải huy động được nguồn tài chính đa dạng và phong phú.
Thị trường tài chính xanh là kênh dẫn vốn quan trọng cho tăng trưởng xanh ở tất cả các nền kinh tế nhưng đây lại là vấn đề khá mới mẻ đối với các thành viên tham gia thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính nói chung tại Việt Nam.
Bên cạnh nguồn lực công, những năm gần đây, Việt Nam đã huy động được nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế, thông qua việc hình thành và phát triển thị trường tài chính xanh. Đến nay, thị trường tài chính xanh tại Việt Nam đã định hình nền tảng và phát triển với 3 cấu phần: tín dụng xanh, cổ phiếu xanh và trái phiếu xanh.
Chia sẻ tại diễn đàn "Khơi nguồn Tài chính xanh và Quản trị xanh" (AF6) năm 2023, ngày 22/11, ông Darryl Dong - Phó Giám đốc Quốc gia Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho rằng, con đường quan trọng của doanh nghiệp hiện nay là tìm nguồn vốn để tài trợ các dự án bền vững. Các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu coi biến đổi khí hậu là vấn đề số một để họ hợp tác với các công ty.
Bởi vậy, cần khởi động để doanh nghiệp bắt đầu lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0. Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu không phải là một dự án đơn giản của doanh nghiệp. Công việc nền tảng này bắt đầu bằng việc áp dụng các yếu tố môi trường – xã hội – quản trị trong toàn tổ chức. Hãy bắt đầu mạnh mẽ, hoặc chuyển đổi xanh hoặc ngừng kinh doanh.
“Theo ước tính của IFC, để đạt được mục tiêu “kép” là thu nhập cao và trung hòa carbon, Việt Nam cần đầu tư 6,8% GDP mỗi năm từ nay đến năm 2040. Con số này tương đương 368 tỷ USD, theo giá trị hiện tại cho phát triển, thích ứng và giảm nhẹ. Một nửa khoản đầu tư này dự kiến sẽ do khu vực tư nhân gánh vác”, ông Darryl Dong nói.
Cũng theo ông Darryl Dong, để tài trợ cho một tương lai ít carbon, cần huy động mọi nguồn vốn sẵn có và triển khai các công cụ tài chính sáng tạo nhất của thị trường (bao gồm trái phiếu xanh, trái phiếu liên kết bền vững, vốn đầu tư thông minh về khí hậu và các công cụ trung gian). Quản trị môi trường, xã hội, và khí hậu theo thông lệ tốt nhất chính là đồng tiền quốc tế để thu hút nguồn vốn đó.
Đặc biệt, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển thị trường và các sản phẩm tài chính xanh sẽ giúp huy động các dòng vốn xanh từ các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán. Đây cũng là ưu tiên của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Viện thành viên hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và thay đổi nhanh chóng như hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có chiến lược thích nghi, linh hoạt và phát triển một cách bền vững. Để đạt được điều đó, doanh nghiệp cần có một đầu tàu hiệu quả.
Cụ thể hơn là một hội đồng quản trị hội tụ đủ các giá trị tiên phong để lèo lái, định hướng cho doanh nghiệp phát triển bền vững vì một xã hội tương lai thịnh vượng. Đây cũng là lý do tại AF6 năm 2023, VIOD đã vinh danh hội đồng quản trị của năm (board of the year).
Trên cơ sở đánh giá 510 hội đồng quản trị của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam với các tiêu chí khắt khe, 5 hội đồng quản trị của năm 2022 đã được VIOD lựa chọn và vinh danh bao gồm: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk); Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ); Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN; Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa; Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ.
12 đơn vị thành viên hội đồng quản trị được VIOD vinh danh vì tiến bộ về quản trị công ty, bao gồm: Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Khoan Dầu khí (PVD); Công ty Cổ phần Thế giới số; Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank); Ngân hàng TMCP Quân đội (MBbank); Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm.
Cùng với đó là Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); Tập đoàn FPT; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank); Công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia (Vinare); Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
“Tôi hy vọng lễ vinh danh Hội đồng quản trị của năm 2022 sẽ khơi nguồn cho một phong trào mới mẻ, tạo động lực lớn và mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững của các hội đồng quản trị. Thúc đẩy việc hình thành những hội đồng quản trị thế hệ mới cho Việt Nam”, bà Thanh nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo