Hỗ trợ doanh nghiệp

Đẩy mạnh liên kết vùng để miền Trung – Tây Nguyên phát triển bền vững

DNVN – Miền Trung - Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, do đó, ngành công thương các tỉnh, thành cần nắm bắt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để định hướng liên kết vùng, phát triển nhanh, xanh và bền vững.

Đắk Nông lấy công nghiệp bô xít làm nền tảng đột phá / Đắk Nông đăng cai “hội nghị bàn tròn” TP Hồ Chí Minh - Tây Nguyên

“Nằm ở vị trí thuận tiện về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, việc giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên có nhiều thuận lợi”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết tại Hội nghị ngành công thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên, diễn ra tại Đắk Nông, sáng ngày 27/10.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu khai mạc hội nghị.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, khu vực còn có thể giao thương với các nước rất thuận lợi, như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và xa hơn là các nước Nam Á và vùng Tây Nam Trung Quốc thông qua trục Hành lang kinh tế Đông - Tây và hệ thống các Quốc lộ 14, 19, 24, 29…

Không những thế, đây là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú về rừng, núi, biển, đảo, vịnh nước sâu, đất đai, di sản văn hóa lịch sử… có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế với các ngành chủ lực, như: phát triển công nghiệp lọc hóa dầu, thủy điện, điện gió, điện mặt trời, công nghiệp đóng tàu; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng…

Với những đặc điểm, lợi thế như vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị hội nghị không chỉ đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển ngành trong thời gian qua, mà cần thảo luận kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành ở địa phương. Qua đó, đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành công thương mỗi tỉnh, thành và toàn khu vực.

“Ngành công thương các tỉnh, thành trong khu vực cần đẩy mạnh trao đổi thông tin, nắm bắt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để định hướng liên kết vùng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, giúp khu vực tăng trưởng nhanh, xanh và bền vững”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Ông Lê Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, chia sẻ tại hội nghị.

Ông Lê Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, chia sẻ tại hội nghị.

Cùng quan điểm, ông Lê Văn Chiến – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, cũng mong muốn thông qua hội nghị, ngành công thương các tỉnh, thành trong khu vực cùng nhau thảo luận, đề xuất kiến nghị, giải pháp để lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo giải quyết.

Qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh hiện nay của mỗi địa phương và xa hơn góp phần triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết số 23-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW định hướng phát triển vùng Tây Nguyên, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ của Bộ Chính trị.

Theo ông Lê Văn Chiến, chuỗi sự kiện của ngành công thương diễn ra trong không khí tỉnh Đắk Nông chuẩn bị tổ chức các hoạt động chào đón kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh. Đây là dịp để giới thiệu, quảng bá đến đại biểu, các nhà đầu tư, doanh nghiệp về các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được sau 2 thập niên.

Đắk Nông đang phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp khai thác bô xít và luyện nhôm của cả nước. Tỉnh đang đứng trước nhiều thời cơ cũng như thách thức để hiện thực hóa chiến lược phát triển, trong đó giải pháp thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế được xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu.

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị.

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị.

Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông mong muốn Bộ Công Thương, các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên làm cầu nối để các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, đầu tư, liên kết sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ các nội dung tham luận quan trọng, đồng thời thảo luận, trao đổi kinh nghiệm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Từ đó, đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo liên kết vùng, hỗ trợ, hợp tác trong pháp triển ngành công thương mỗi tỉnh, thành.

Năm 2022, khu vực miền Trung – Tây Nguyên có 12/15 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng cao hơn cả nước (cả nước tăng 7,8%); trong đó, 8 tỉnh có chỉ số IIP tăng trưởng trên 2 con số như: Kon Tum, Khánh Hoà, Quảng Nam, Quảng Trị, Đắk Lắk, Gia Lai; Phú Yên, Quảng Bình...

Trong 9 tháng năm 2023, chỉ số IIP bình quân toàn khu vực đạt 3,6%, cao hơn so với bình quân cả nước (0,3%). Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng một số tỉnh vẫn giữ được đà tăng trưởng. Trong đó, có 4/15 tỉnh, thành phố có chỉ số cao hơn 2 con số như: Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Đắk Lắk; có 2/15 tỉnh, thành phố có chỉ số sản xuất công nghiệp giảm là Đà Nẵng, Quảng Nam..

Trong 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn vùng tăng 12,9% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước. Nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước luôn bảo đảm. Kim ngạch xuất khẩu của các tỉnh, thành phố toàn khu vực trong 9 tháng năm 2023 đạt 11,609 tỷ USD, phục hồi 96,6% so với cùng kỳ, cao hơn mức phục hồi của cả nước.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm