Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững phục hồi sau khủng hoảng tốt hơn

DNVN - Theo giới chuyên gia, trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, doanh nghiệp nên gắn chiến lược phát triển bền vững với văn hoá đa dạng, bình đẳng và bao trùm để tiếp cận được các thị trường mới, cải thiện năng lực quản trị, thu hút và giữ chân “nhân tài” tốt hơn.

Đáp ứng cao nhất có thể nhu cầu về vốn cho doanh nghiệp / Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu sắt thép, da giày

Vai trò của văn hoá đa dạng, bao trùm

Tại hội thảo trực tuyến “Văn hóa đa dạng và bao trùm, yếu tố quan trọng kiến tạo nguồn lực xã hội vượt qua các thách thức kinh tế” ngày 27/10, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể, từ biến đổi công nghiệp đến biến đổi khí hậu, sự thay đổi nhanh chóng trong cách làm việc và kinh doanh với sự hiện diện và tham gia mạnh mẽ của trí tuệ nhận tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data).

Trong bối cảnh đó, văn hóa đa dạng, công bằng và bao trùm có vai trò then chốt trong việc giúp DN vượt qua những thách thức này, xây dựng một tương lai bền vững hơn.

Nếu chiến lược phát triển bền vững của DN gắn kết với văn hoá đa dạng, bình đẳng và bao trùm (DE&I) sẽ giúp DN nâng cao khả năng tiếp cận các thị trường mới, hỗ trợ cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp, cũng như giúp thu hút và giữ chân “nhân tài” tốt hơn.

DN có đặc tính DE&I cao thường có nhiều ý tưởng đổi mới, sáng tạo hơn, cũng như có tính linh hoạt cao hơn. Điều này giúp DN có thể vận hành thông minh hơn, linh hoạt hơn, với nhiều giải pháp mới để giảm thiểu “dấu chân” carbon từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu hiệu quả hơn.

Ngoài ra, DN có văn hóa đa dạng, hòa nhập trao quyền cho nhân viên, đặt con người vào trung tâm của mọi chiến lược và quyết định, từ đó đưa ra những quyết định hợp lí và hiệu quả hơn.

Cũng theo bà Thanh, những DN có văn hóa DE&I cho thấy sức chống chịu, phục hồi sau khủng hoảng nhanh hơn các doanh nghiệp khác.

Doanh nghiệp phải làm gì?

Ông Huỳnh Bửu Quang – Tổng Giám đốc Deutsche Bank Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế chung gặp nhiều khó khăn và thách thức, văn hóa đa dạng, công bằng và hòa nhập trở nên đặc biệt quan trọng.

Để tồn tại, bên cạnh việc tối ưu chi phí, DN cần bảo đảm nguồn nhân lực để vận hành bộ máy vốn đang đứng trước nhiều nguy cơ, cũng như thúc đẩy sự sáng tạo và ý tưởng mới để tiếp tục hoạt động hiệu quả. Đó chính là lúc DN cần tạo ra môi trường mở, chào đón sự đa dạng và tạo sự linh hoạt để thích nghi với thay đổi.


Các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra nhiều khuyến nghị cho DN về thực hiện văn hoá đa đạng, hoà nhập.

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Xuân Liên – Thành viên HĐQT tại Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nhấn mạnh, văn hóa đa dạng và hoà nhập khi được thực hiện đúng cách sẽ thúc đẩy khía cạnh tài chính của DN. Điều này còn đúng hơn khi DN bước vào giai đoạn khó khăn chung của thị trường.

“Để xây dựng môi trường văn hoá đa dạng và hoà nhập, DN cần dựa vào sự khác biệt và tôn trọng mỗi cá nhân về quan điểm, kinh nghiệm và nền văn hóa. Qua đó để bảo đảm rằng mọi cá nhân đều có cơ hội công bằng thể hiện tiềm năng của mình và được đối xử tương đương, tạo môi trường làm việc mà mọi người cảm thấy được chào đón, kết nối và gắn kết với nhau. Đây là cách DN trở nên mạnh mẽ và sáng tạo hơn”, bà Liên khuyến nghị.

Đánh giá cao vai trò của các nữ lãnh đạo, bà Natalie Fairlie - thành viên Ban lãnh đạo Hiệp hội DN Australia tại Việt Nam (AusCham Việt Nam) cho rằng, các nữ lãnh đạo và nữ quản lý có một vai trò không thể thay thế trong việc thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập trong DN.

Các nữ lãnh đạo thường mang đến một góc nhìn đa dạng và sâu sắc về quản lý cũng như tạo ra các giải pháp đột phá trong thời đại đầy biến động.

Trong 5 năm qua tại Việt Nam, với sự ủng hộ của Chính phủ Australia thông qua dự án Investing in Women, VBCWE đã tạo được những dấu ấn tiên phong trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc, tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân, góp phần kiến tạo giá trị bình đẳng và công bằng cho người lao động.

Mục tiêu của VBCWE trong giai đoạn phát triển 5 năm tiếp theo là thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa yếu tố đa dạng và hòa nhập, gia tăng cơ hội việc làm và chất lượng công việc cho phụ nữ. Đồng thời thúc đẩy các cơ hội việc làm gắn với những chính sách chăm sóc và hỗ trợ trẻ em, đào tạo và nâng cao kỹ năng mềm, công nghệ để người lao động có thể tăng tốc và bắt nhịp với xu thế việc làm trong bối cảnh mới.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm