Tài chính - ngân hàng

Doanh nghiệp bảo hiểm cần thích ứng để phát triển bền vững

DNVN - Theo TS Trịnh Chi Mai - Học viện Ngân hàng, trước tác động của COVID-19 nói riêng và nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) cần phải thích nghi, thay đổi một cách linh hoạt, phù hợp để chớp lấy cơ hội nhằm phát triển vững chắc.

Giai đoạn 2011-2022: Số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của thị trường bảo hiểm tăng 462% / Ép khách hàng mua bảo hiểm, PVcomBank thua kiện phải bồi thường hơn 1,3 tỷ đồng

TS Trịnh Chi Mai cho rằng, cũng giống như các ngành nghề khác trong nền kinh tế, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn cho các DNBH tại Việt Nam, khi mà các doanh nghiệp và người lao động đều rơi vào tình trạng khó khăn do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, phá sản, việc làm và thu nhập bị giảm sút nghiêm trọng.

Số lượng người tham gia bảo hiểm giảm một cách nhanh chóng làm ảnh hưởng đến việc thu phí bảo hiểm và khai thác mới, chưa kể đại dịch COVID-19 đã tạo ra sự chênh lệch giữa các khiếu nại bảo hiểm (chủ yếu là liên quan đến bảo hiểm sức khỏe) được thanh toán và phí bảo hiểm đã thu.

Điều này có thể gây khó khăn cho các DNBH trong việc cân đối các nguồn dự phòng khi họ phải chi trả cho các khoản thanh toán đòi bồi thường.

Ngoài ra, một số khách hàng có thể trì hoãn việc thăm khám dù sức khỏe của họ đang xấu đi, do đó rất có thể những khiếu nại này sẽ đòi mức chi trả bồi thường cao hơn so với ước tính ban đầu.

Tuy nhiên, với sự thích nghi nhanh cùng sự “thúc giục” để vượt qua những hạn chế trong đại dịch COVID-19, ngành bảo hiểm đã và đang tìm hướng đi phù hợp cho mình.

Doanh nghiệp bảo hiểm cần thích nghi, thay đổi để phát triển vững chắc.

Các DNBH Việt Nam đã chủ động rà soát, cắt giảm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bổ sung vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính và mở rộng các kênh phân phối.

Đẩy mạnh các hình thức phân phối bảo hiểm trực tuyến, tăng cường giao dịch online với khách hàng, triển khai đa dạng các kênh thu phí trực tuyến và gia hạn thời gian đóng phí bảo hiểm trong giai đoạn khách hàng không thể đóng phí do giãn cách xã hội...

Mặt khác, các DNBH cũng tăng cường đầu tư cho công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng.

Đó là triển khai chương trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm trực tuyến (Eclaim), thẻ bảo lãnh viện phí điện tử, tư vấn bảo hiểm trực tuyến thông qua chatbot, ứng dụng chăm sóc sức khỏe trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI).

Sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện, tư vấn bán hàng từ xa, xây dựng hệ sinh thái số toàn diện cho đội ngũ kinh doanh và khách hàng.

Thêm vào đó, các DNBH Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và chăm sóc y tế với đa dạng quyền lợi như: bảo hiểm bệnh ung thư, chỉ trả chi phi nằm viện, phẫu thuật, khám, chữa bệnh, phạm vi bảo hiểm tại Việt Nam và trên toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày một cao của người dân.

Chính nhờ những nỗ lực đó mà các DNBH Việt Nam bảo đảm năng lực tài chính, hoạt động hiệu quả; khả năng quản trị điều hành và quản trị rủi ro của các doanh nghiệp được nâng cao.

Cũng theo bà Mai, những khó khăn của ngành bảo hiểm trước đại dịch COVID-19 là cơ hội để một số ngành, trong đó có ngành bảo hiểm thay đổi, tái cấu trúc theo hướng phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn, qua đó, đóng góp cho vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam.

“Dịch bệnh COVID-19 đã giúp thị trường bảo hiểm và khách hàng nhận thức rõ hơn về ý nghĩa việc cung cấp và tham gia bảo hiểm. Các DNBH cũng nhận thấy rằng, cần phải thích nghi, thay đổi một cách linh hoạt, phù hợp để phát triển vững chắc, khẳng định rõ vai trò quan trọng là nhà “bảo trợ” đáng tin cậy của nền kinh tế”, bà Mai cho biết.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm