Bảo Việt kiểm soát chặt bảo hiểm nông nghiệp
(dautu) Thưa ông, đã có hiện tượng khai khống nông, thủy sản, vật nuôi… bị chết để hưởng số tiền bảo hiểm nhiều hơn?
Tính chất đặc thù của bảo hiểm nông nghiệp là đối tượng bảo hiểm chịu tác động rất nhiều từ các yếu tố thiên nhiên.
Bởi vậy, rủi ro được bảo hiểm và rủi ro không được bảo hiểm rất khó kiểm soát. Hơn nữa, công tác quản lý rủi ro gặp rất nhiều khó khăn, nên vấn đề trục lợi bảo hiểm cũng rất khó tránh.
Thời gian gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, có hiện tượng trục lợi bảo hiểm trong bảo hiểm nông nghiệp.
Chúng tôi đã dùng nhiều nghiệp vụ để kiểm soát hành vi trục lợi bảo hiểm trong nông nghiệp.
Qua đó, trong quá trình thí điểm cũng đã rút ra được những bài học trong việc kiểm soát rủi ro bảo hiểm, đặc biệt là xây dựng các quy trình quản lý nghiệp vụ, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người mua bảo hiểm, vừa quản lý giám sát chặt chẽ đối tượng được bảo hiểm.
Bảo Việt có hướng xử lý thế nào để ngăn chặn tình trạng trục lợi trong bảo hiểm nông nghiệp?
Từ nay cho đến khi Chương trình Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp kết thúc (cuối năm 2013), Bảo Việt tiếp tục đi sâu, đi sát triển khai chương trình, để chương trình đi vào cuộc sống thực tế của người dân.
Một vấn đề quan trọng nữa là cần sự hỗ trợ chặt chẽ từ chính quyền địa phương tại các tỉnh triển khai, từ cấp thôn, xã đến cấp huyện, tỉnh, cũng như các cơ quan truyền thông báo chí khi tuyên truyền. Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ, của các cấp, các ngành liên quan, sự quyết liệt tham gia của các công ty bảo hiểm, cũng như của nông dân, sẽ giúp việc quản lý sát sao hơn, đẩy lùi những vi phạm trong trục lợi bảo hiểm. Đây cũng chính là điều kiện tiên quyết để Chương trình Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp thành công.
Đến thời điểm này, Bảo Việt đã ký hợp đồng với bao nhiêu hộ dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp (cây lúa, vật nuôi, thủy sản), thưa ông?
Đến nay, Bảo hiểm Bảo Việt đã ký hợp đồng bảo hiểm cho trên 155.000 hộ dân, với 3 loại hình bảo hiểm là cây lúa, vật nuôi và thủy sản. Cụ thể, bảo hiểm 30.000 ha lúa; 500.000 con trâu bò, lợn gia cầm; 5.000 ha tôm, với tổng giá trị bảo hiểm 3.300 tỷ đồng, doanh thu phí bảo hiểm thu được 190 tỷ đồng.
Thế còn kết quả bồi thường trong lĩnh vực này thế nào?
Bảo hiểm Bảo Việt đã chi trả bồi thường cho nông dân các tỉnh triển khai 3 sản phẩm cây lúa, vật nuôi và thủy sản tổng cộng 350 tỷ đồng. Trong đó, riêng hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, Bảo Việt bồi thường thiệt hại về tôm là 340 tỷ đồng.
Xét về hiệu quả, bảo hiểm nông nghiệp đã bị âm, do số tiền bồi thường vượt quá doanh thu phí bảo hiểm. Kết quả này cũng đã được phân tích đánh giá tại hội nghị bảo hiểm nông nghiệp tháng 5 vừa qua.
Chí Tín
End of content
Không có tin nào tiếp theo