Thị trường

Tăng cường trách nhiệm doanh nghiệp trong đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động

DNVN - Bảo vệ quyền lợi người lao động và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp là hai vấn đề được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi trong phiên họp về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Luật Nhà ở sửa đổi ưu đãi hơn cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội / Dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi: Cần đánh giá kỹ tác động đối với doanh nghiệp

Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) ngày 27/11, các đại biểu Quốc hội đã nêu ra nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đặc biệt là trong trường hợp doanh nghiệp không đóng bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ. Nhiều đại biểu đã đề xuất những biện pháp mạnh mẽ nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Đại biểu Quốc hội đề nghị tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Trách nhiệm của doanh nghiệp cần rõ ràng hơn

Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt trong phiên thảo luận là trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Theo dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), khi doanh nghiệp không còn khả năng đóng hoặc cố tình trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động sẽ phải tự mình đóng vào quỹ bảo hiểm để duy trì quyền lợi. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định này không hợp lý và có thể gây bức xúc cho người lao động, bởi vì doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm nhưng lại đẩy trách nhiệm này lên vai người lao động.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng, quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, đặc biệt là trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm.

Trong trường hợp doanh nghiệp không còn khả năng đóng bảo hiểm thất nghiệp hoặc trốn đóng, cơ quan bảo hiểm có thể tạm ứng để người lao động không bị gián đoạn quyền lợi và bổ sung quy định buộc doanh nghiệp hoàn trả toàn bộ số tiền bảo hiểm thất nghiệp đã bị trốn đóng kèm lãi suất tương ứng.

"Việc buộc người lao động phải sử dụng tiền của mình để đóng vào quỹ bảo hiểm sẽ khiến người lao động gặp khó khăn. Cần phải có quy định bổ sung, buộc doanh nghiệp hoàn trả toàn bộ số tiền bảo hiểm thất nghiệp đã bị trốn đóng kèm lãi suất tương ứng", đại biểu Trân nhấn mạnh.

Để bảo vệ quyền lợi của người lao động, đại biểu Trân cũng đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của người sử dụng lao động nếu không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần xây dựng chế tài xử phạt rõ ràng và nghiêm khắc đối với các hành vi trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp, nhằm tạo ra một môi trường pháp lý công bằng và bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Nhìn một cách công bằng dưới góc độ doanh nghiệp, đại biểu cũng đề nghị xem xét áp dụng cơ chế giãn, hoãn hoặc giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, đặc biệt trong các tình huống kinh tế khó khăn, thiên tai, dịch bệnh nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật chặt chẽ, hiệu quả hơn trong việc quản lý bảo hiểm thất nghiệp; đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi của người lao động và khả năng tuân thủ của doanh nghiệp.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) cũng chia sẻ quan điểm tương tự khi cho rằng quy định yêu cầu người lao động phải bỏ ra trước một khoản tiền để đóng đủ số tiền doanh nghiệp chưa đóng là không hợp lý. Thay vào đó, đại biểu này đề nghị cần trích từ Quỹ bảo hiểm xã hội hoặc Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để bảo vệ quyền lợi của người lao động một cách kịp thời và hiệu quả hơn.

Kiến nghị cải cách mức trợ cấp thất nghiệp

Bên cạnh những vấn đề về trách nhiệm của doanh nghiệp, nhiều đại biểu cũng đã bày tỏ lo ngại về mức trợ cấp thất nghiệp hiện nay, cho rằng mức trợ cấp này không đủ để bảo đảm cuộc sống cho người lao động trong giai đoạn mất việc.

Theo quy định hiện hành, mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng chỉ bằng 60% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng trước đó và tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, mức trợ cấp này, theo các đại biểu, không đủ để người lao động duy trì cuộc sống, đặc biệt là khi hầu hết doanh nghiệp đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức lương tối thiểu vùng.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đặt câu hỏi về mức trợ cấp thất nghiệp hiện nay, khi cho rằng mức hỗ trợ này quá thấp so với nhu cầu thực tế của người lao động.

"Mức trợ cấp hiện tại chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng, trong khi chi phí sinh hoạt tối thiểu của một người lao động đã là rất lớn, chưa kể chi phí gia đình", đại biểu nhấn mạnh.

Ông Sang đề nghị cần rà soát lại mức trợ cấp thất nghiệp, tăng mức hưởng từ 60% lên 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, để bảo đảm người lao động có thể duy trì cuộc sống ổn định khi mất việc làm.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đồng tình với quan điểm này, ông cho rằng nguyên tắc quan trọng nhất của bảo hiểm là "có đóng, có hưởng". Người lao động đã đóng bảo hiểm trong suốt quá trình làm việc, vậy nên, họ phải được hưởng quyền lợi này đầy đủ khi mất việc. Việc tước quyền lợi của người lao động là không hợp lý và không công bằng.

Cùng với đó, các đại biểu cũng cho rằng trong những tình huống khó khăn như dịch bệnh, thiên tai hay kinh tế suy thoái, chính phủ nên có cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho người lao động, không chỉ trong việc tăng mức trợ cấp thất nghiệp mà còn trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động bị sa thải hoặc buộc thôi việc do hoàn cảnh bất khả kháng.

An Nhiên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm