Thị trường

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 chậm lại nhưng có nhiều "điểm sáng"

DNVN - Theo PGS, TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 chậm lại, nhưng có nhiều "điểm sáng", như sự tăng trưởng tích cực của các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, công nghiệp và xây dựng, chế biến chế tạo.

FED: Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhằm chặn đà lạm phát / 8 tháng đầu năm: Lạm phát cơ bản tăng 1,6%, thấp hơn mức bình quân chung

Chia sẻ tại sự kiện và giới thiệu Kinh tế vĩ mô 2023 và những thay đổi trong chính sách thuế để cải thiện tăng trưởng, sáng ngày 9/12, PGS, TS Phạm Thế Anh -Trưởng khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho rằng, trước tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 chậm lại.

“Tốc độ tăng trưởng trung bình đang chậm lại qua các giai đoạn và tốc độ tăng trưởng trong ngắn hạn trở nên biến động hơn. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,2%. Tăng trưởng hiện được cải thiện nhưng vẫn thấp, tăng trưởng cao dần qua các quý nhưng thấp hơn nhiều con số trung bình 5 năm của giai đoạn trước COVID - 19”, ông Thế Anh nói.

PGS, TS Phạm Thế Anh cho rằng, trong điều kiện tổng cầu thấp, tín dụng tăng chậm, lạm phát khó có thể tăng mạnh. Ảnh: Hà Anh.

Trong năm 2023, dịch vụ lưu trú và ăn uống không còn đột biến, dịch vụ tài chính tăng chậm lại trong khi kinh doanh bất động sản tiếp tục suy giảm. Sản xuất công nghiệp suy giảm, 9/11 tháng đầu năm, chỉ số quản lý thu mua (PMI) ở dưới ngưỡng 50 điểm, kéo dài chuỗi suy giảm của ngành chế biến chế tạo. PMI tháng 11 giảm mạnh trở lại dưới ngưỡng 50 điểm.

Bên cạnh đó, sản lượng giảm và đơn hàng xuất khẩu giảm nhưng chi phí đầu vào gia tăng. Tiêu dùng tăng trưởng chậm lại qua các quý. Tổng mức bán lẻ tăng tốt nhưng chậm lại dần qua các quý (quý I tăng 13,9%; 6 tháng đầu năm tăng 10.9%, 11 tháng năm 2023 tăng 9.6%). Về cơ bản, sức mua trong nước vẫn yếu do thu nhập, tài sản giảm sút và tâm lý thận trọng.

Tuy nhiên, theo ông Thế Anh, điểm sáng của nền kinh tế hiện nay là sự tăng trưởng tích cực của lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và sự tăng trưởng trở lại của công nghiệp và xây dựng, sự hồi phục của ngành chế biến chế tạo. Cùng với đó, đầu tư công đang giúp thúc đẩy tăng trưởng của ngành xây dựng. Sản xuất và phân phối điện được cải thiện nhờ thời tiết.

Đầu tư Nhà nước tăng tốc, tuy chỉ đạt 75% kết hoạch năm sau 11 tháng do còn thiếu động lực và đối mặt với vướng mắc về pháp lý, giá nguyên vật liệu tăng cao. Đầu tư tư nhân tiếp tục trì trệ do lãi suất đi vay giảm chậm, doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng và khó phát hành trái phiếu/cổ phiếu. Đặc biệt, đầu ra của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Nền kinh tế đang đặt kỳ vọng vào FDI. Sau 11 tháng năm 2023, FDI đăng ký đạt 28,85 tỷ USD, FDI thực hiện đạt 20,25 tỷ USD. Các địa phương dẫn đầu thu hút FDI (trên 1 tỷ USD) có xu hướng chuyển dịch ra phía bắc, gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Nghệ An, Bắc Ninh.

Các nước đứng đầu về FDI vẫn đến từ Đông Á, gồm: Singapore, Hồng Kong, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Mỹ và EU đang được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hoạt động FDI, kéo theo công nghiệp chế biến chế tạo phát triển. Đây cũng là lĩnh vực tiếp tục dẫn đầu thu hút FDI nhờ các lợi thế từ các FTA, sự chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc và chi phí nhân công thấp.

“Xuất khẩu đang cải thiện dần trong bối cảnh thương mại quốc tế đã có sự cải thiện trong nửa cuối năm 2023. Tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng năm 2023 đạt 322,5 tỷ USD, xuất siêu hàng hóa đạt mức kỷ lục 25,8 tỷ USD sau 11 tháng. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản tăng trưởng ấn tượng.

Lạm phát cơ bản tiếp tục giảm chậm do sức cầu yếu.

Dự báo về tình hình kinh tế 2024, Kinh tế trưởng Trung tâm VESS cho rằng, sự khó khăn của kinh tế Mỹ và EU sẽ còn kéo dài có thể khiến sự hồi phục hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng vừa qua chỉ là tạm thời.

Đánh giá về vấn đề lạm phát, ông Thế Anh cho rằng, lạm phát cơ bản tiếp tục giảm chậm. Lạm phát tăng giảm chủ yếu phụ thuộc vào chi phí đẩy.

“Giá cả những nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu tăng chậm thể hiện nhu cầu tiêu dùng yếu. Dự báo, lạm phát khó có thể tăng mạnh trong điều kiện tổng cầu thấp (thu nhập và tài sản sụt giảm), tín dụng tăng chậm. Năm 2024, xu hướng chính sách trong nước sẽ tiếp tục nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng”, ông Thế Anh dự báo.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm