5 áp lực lớn "đè" mục tiêu lạm phát 4,5% trong 2023
DNVN - Năm 2022, Việt Nam đã kiểm soát thành công lạm phát trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao kỷ lục. Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, áp lực lạm phát năm 2023 là rất lớn. Để đạt mục tiêu lạm phát ở mức 4,5% như Quốc hội đề ra sẽ rất khó khăn, bởi có 5 áp lực lớn đè nặng lên mục tiêu này.
Doanh nghiệp gặp khó, không đặt nhiều triển vọng sản xuất kinh doanh / "Cảnh giác" với lạm phát, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng
2022: Kiểm soát thành công
Năm 2022, thế giới đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao kỷ lục. Trong khi đó, Chỉ sô giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 của Việt Nam tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân cả năm 2022, CPI tăng 3,15%. Tuy cao hơn mức tăng 1,84% của năm 2021 nhưng thấp hơn so với mục tiêu 4% do Quốc hội đặt ra.
Đánh giá về số liệu này, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao như vậy việc đạt mức lạm phát 3,15% là thành công rất lớn của Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Kết quả này xuất phát từ một số nguyên nhân.
Thứ nhất, việc sản xuất và cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm (LTTP) trong thời gian qua luôn được bảo đảm trong khi thế giới đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực. Đặc biệt khi xảy ra cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine, nguy cơ này càng trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bảo đảm được nguồn LTTP không những cung cấp đủ trong nước mà còn thúc đẩy cho hoạt động xuất khẩu. Do đó, giá LTTP trong thời gian vừa qua ở Việt Nam so với các nước là khá ổn định.
Theo bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Việt Nam đã kiểm soát thành công lạm phát trong năm 2022.
Thứ 2, trong năm vừa qua, một số dịch vụ do Nhà nước quản lý vốn có tác động khá lớn đến CPI được giữ giá ổn định. Đơn cử, nhiều địa phương đã giảm học phí để chia sẻ khó khăn cho người dân. Bước sang năm học 2022 - 2023, Chính phủ lại có Nghị quyết 165 vào ngày 20/12, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức học phí của năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022 để tiếp tục hỗ trợ người dân. Điều này đã giúp kiềm chế lạm phát.
Đối với giá dịch vụ y tế cũng vậy. Nếu thực hiện theo đúng lộ trình thì trong năm 2021 phải hoàn thành tính đủ các chi phí vào dịch vụ khám chữa bệnh theo quy định pháp luật về giá. Tuy nhiên, đến nay chúng ta cũng chưa thực hiện nội dung này. Thêm vào đó, trong gần 4 năm qua chưa tăng giá điện, trong khi các chi phí đầu vào tăng rất cao.
Thứ 3 là do có sự điều hành sát sao, kịp thời và linh hoạt của Chính phủ trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã đưa ra một loạt giải pháp rất kịp thời về việc hỗ trợ giá, khắc phục nguồn cung cũng như giảm thuế. Điều này đã giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hỗ trợ ổn định đời sống của người dân.
Trong năm 2022, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cũng liên tục chỉ đạo các địa phương thực hiện quản lý giá trên địa bàn. Rất nhiều doanh nghiệp tham gia vào chương trình bình ổn giá, đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân, đặc biệt là LTTP. Việc điều hành chính sách tiền tệ trong năm cũng hết sức linh hoạt, thận trọng, có sự phối hợp rất chặt chẽ với chính sách tài khóa cũng như các chính sách vĩ mô khác. Qua đó đã góp phần kiểm soát lạm phát trong năm 2022.
2023: Áp lực lớn
Những năm trước đây, Quốc hội thường đặt mục tiêu lạm phát ở mức 4% hoặc dưới 4%. Tuy nhiên, năm 2023, Quốc hội đặt lạm phát mục tiêu ở mức 4,5%.
"Có thể thấy áp lực lạm phát năm 2023 là rất lớn. Để đạt mục tiêu 4,5% như Quốc hội đề ra sẽ rất khó khăn. Chúng tôi đánh giá có 5 yếu tố chính sẽ có tác động, tạo áp lực lạm phát cho năm 2023", Vụ trưởng Vụ Thống kê giá nói.
Thứ nhất, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong năm tới. Các tổ chức quốc tế đã dự báo rằng có thể lạm phát đã đạt đỉnh trong năm 2022 và năm 2023 có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Đồng thời nhận định vẫn sẽ là rủi ro với nhiều nền kinh tế.
Để đạt mục tiêu lạm phát ở mức 4,5% năm 2023 như Quốc hội đề ra sẽ rất khó khăn.
Việt Nam có độ mở kinh tế rất lớn nên những biến động của kinh tế thế giới sẽ tác động nhanh đến kinh tế trong nước. Đặc biệt, việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách zero - COVID, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ làm tăng nhu cầu nguyên nhiên vật liệu cũng như nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ. Điều này sẽ đẩy giá hàng hóa thế giới lên cao và tạo áp lực lạm phát cho toàn cầu.
Áp lực thứ 2 là Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên nhiên vật liệu để sử dụng cho sản xuất. Do đó, khi nhập khẩu vào với mức giá cao sẽ tạo áp lực chi phí cho doanh nghiệp, đẩy giá cả hàng hóa lên cao, từ đó tạo áp lực lạm phát của toàn nền kinh tế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất của năm 2022 đã tăng 6,79% so với năm 2021. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Chỉ số giá nhập khẩu 2022 cũng tăng 8,56% cũng là mức tăng cao nhất kể từ năm 2012.
"Trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, hơn 90% tư liệu sản xuất. Điều đó cho thấy các doanh nghiệp chịu áp lực rất lớn về chi phí sản xuất, qua đó tạo sức ép đối với chỉ số tiêu dùng. Chỉ số tiêu dùng CPI của tháng 12/2022 đã tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước và mức lạm phát cao như vậy có khả năng sẽ tiếp tục trong quý I/2023", chuyên gia nhận định.
Áp lực thứ 3 là điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý sẽ có tác động rất mạnh đến CPI. Ví dụ giáo dục và y tế là 2 nhóm chiếm quyền số rất lớn trong CPI, chiếm khoảng gần 12%. Do đó, khi chỉ số giá của hai nhóm này tăng sẽ tác động đến chỉ số giá chung của toàn nền kinh tế. Đối với học phí, mặc dù đã có Nghị quyết 165 giữ ổn định trong năm học 2022 - 2023 nhưng đến tháng 9 năm 2023 là bước sang năm học mới, lúc đó sẽ áp dụng mức giá của Nghị định 81. Theo đó, chỉ số giá của nhóm giáo dục sẽ tăng cao và sẽ tác động đến CPI 2023.
Dự kiến năm 2023 sẽ kết cấu chi phí quản lý vào dịch vụ khám chữa bệnh, lúc đó sẽ tác động đến CPI. Với giá điện cũng vậy, nếu năm nay tăng giá điện sẽ tạo áp lực cho lạm phát bởi vì nếu giá điện tăng 10% sẽ tác động trực tiếp vào CPI là 0,33 điểm phần trăm.
Áp lực thứ 4, các chính sách hỗ trợ trong năm 2022 rất nhiều nhưng từ đầu năm nay các chính sách sẽ hết hiệu lực. Ví dụ chính sách giảm thuế VAT hết hiệu lực sẽ khiến giá hàng hóa tăng trở lại. Việc tăng lương từ 1/7 tới sẽ khiến giá các mặt hàng hóa sẽ tăng theo, đặc biệt là LTTP.
Áp lực thứ 5, áp lực cầu kéo từ gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ có khả năng đẩy giá hàng hóa và dịch vụ lên cao.
"5 yếu tố này có khả năng tạo áp lực lên lạm phát của 2023. Tuy nhiên, cũng có yếu tố giúp chúng ta kiềm chế tốc độ tăng giá. Ví dụ, Việt Nam có nguồn LTTP rất dồi dào, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời phục vụ xuất khẩu. Đây là lợi thế rất lớn của Việt Nam, giúp chúng ta giảm bớt áp lực lạm phát trong năm 2023", bà Nguyễn Thu Oanh đánh giá.
Với quyết tâm và kinh nghiệm về điều hành giá của Chính phủ cùng sự phối hợp hết sức hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương cùng sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp, Tổng cục Thống kê tin tưởng mục tiêu CPI bình quân 2023 khoảng 4,5% có thể thực hiện được.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo