Thị trường

Tạo hướng vững chắc cho ngành trái cây Việt Nam

DNVN - "Để xuất khẩu các giống trái cây tốt, Việt Nam phải đạt được sự hoàn hảo trong cả chuỗi giá trị. Khi đó, nông dân sẽ có nhiều lựa chọn cho việc lựa chọn thị trường nào muốn xuất khẩu... Để đạt được điều này, cần sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ và các thành phần tham gia", Đại sứ New Zealand tại Việt Nam cho hay.

Chủ tịch Quốc hội: Việc chậm di dời các cơ sở theo Quyết định 130 là trách nhiệm của các bộ ngành / Năng lực cạnh tranh của ngành ô tô Việt Nam còn rất yếu

Nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cho các giống trái cây cao cấp, thúc đẩy phát triển ngành trái cây ăn quả của Việt Nam, mới đây tại TP.HCM, Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức “Hội thảo quốc gia về Mô hình phát triển và Thương mại hóa các giống trái cây cao cấp”.

Bà Wendy Matthews - Đại sứ New Zealand tại Việt Nam đã chia sẻ những bài học thành công từ “Dự án phát triển giống trái cây cao cấp”, một dự án thực hiện trong 6 năm do Chương trình Viện trợ phát triển New Zealand tài trợ, với tổng giá trị toàn bộ dự án lên tới 8,1 triệu đôla New Zealand (tương đương 5,6 triệu USD).

Bà Wendy Matthews cho hay, để xuất khẩu giống trái cây tốt, Việt Nam phải đạt được sự hoàn hảo trong cả chuỗi giá trị

Bà Wendy Matthews cho hay, để xuất khẩu giống trái cây tốt, Việt Nam phải đạt được sự hoàn hảo trong cả chuỗi giá trị (Ảnh: HT)

Theo đó, dự án “Phát triển giống trái cây cao cấp” đã phát huy các phương pháp trồng trọt cải tiến giúp tăng gấp đôi năng suất, đồng thời phát minh hệ thống máy rửa sau thu hoạch và các kĩ thuật làm mát hoa quả nhằm giảm thiệt hại và kéo dài thời gian bảo quản.

Các nghiên cứu toàn diện và sáng tạo của dự án đã giảm tác động của bệnh đốm nâu và giúp cho người dân ít sử dụng các loại thuốc hóa học trên cây trồng. Dự án đã giúp cho các hộ nông dân trồng thanh long nâng cao kiến thức và tăng thu hồi vốn từ đầu tư. Đồng thời, dự án cũng đã phát triển một số giống cây thanh long cao cấp mới có tiềm năng xuất khẩu cao.

Dự án được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand (PFR) cùng các đối tác Việt Nam bao gồm: Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) và Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (SIAEP).

Thanh long Việt Nam được New Zealand đánh giá là loại trái cây cao cấp, còn nhiều tiềm năng phát triển. (Ảnh: IT)

Thanh long Việt Nam được New Zealand đánh giá là loại trái cây cao cấp, còn nhiều tiềm năng phát triển. (Ảnh: IT)

 

Theo bà Wendy Matthews, dự án “Phát triển giống trái cây cao cấp” là một trong những dự án điển hình của New Zealand tại Việt Nam. Bởi dự án đã kết hợp thành công trình độ chuyên môn đẳng cấp quốc tế trong nông nghiệp của New Zealand cùng một trong những loại trái cây đặc biệt nhất của Việt Nam - quả thanh long. Chúng tôi rất tự hào vì dự án đã đem lại những lợi ích rõ rệt cho người nông dân Việt Nam và gia đình của họ.

“Song song với việc đầu tư phát triển toàn diện từng khâu trong hệ thống giá trị sản phẩm, ngành công nghiệp cây ăn quả của New Zealand còn liên tục đầu tư nghiên cứu ra các giống mới và tốt nhất. Bằng cách chia sẻ những mô hình thành công điển hình của New Zealand, chúng tôi hi vọng sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển nhanh chóng ngành hoa quả chất lượng cao của các bạn”, Đại sứ Wendy Matthews cho hay.

Tuy nhiên, để làm được điều này bà Wendy Matthews cho rằng cần có sự hỗ trợ toàn diện từ phía Chính phủ và các thành phần tham gia trong trong chuỗi phát triễn các giống trái cây cao cấp.

"Để xuất khẩu tốt, Việt Nam phải đạt được sự hoàn hảo trong cả chuỗi giá trị. Khi đảm bảo tốt được các khâu trong chuỗi, nông dân sẽ có nhiều lựa chọn cho việc lựa chọn thị trường nào muốn xuất khẩu, cũng như đạt mức lợi nhuận tốt nhất từ thị trường đó. Không có con đường nào ngắn mà dẫn đến thành công lâu dài. Điều này cần sự hỗ trợ toàn diện từ phía Chính phủ và các thành phần tham gia trong chuỗi", Đại sứ New Zealand nêu quan điểm.

 

Bà Wendy Matthews cho biết thêm, New Zealand vốn là đất nước nổi tiếng về khâu bản quyền giống. Ngược lại bản quyền giống cây trồng vốn là điểm yếu lâu nay ở Việt Nam.

Chỉ khi nào bảo hộ tốt quyền sở hữu giống thì mới giúp trái cây phát triển ra các thị trường tiềm năng hơn. Phải đẩy mạnh đầu tư vào giống cây trồng mới có thể giúp ngành cây ăn quả phát triển thành công trong bối cảnh thị trường quốc tế cạnh tranh cao độ. “Tuy nhiên, để thành công, các tài sản trí tuệ liên quan đến sự đầu tư đó cần phải được bảo vệ và khai thác hiệu quả”, bà Wendy Matthews nói.

Ông Trần Kim Long – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: HT)

Ông Trần Kim Long – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: HT)

Ông Trần Kim Long – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, tại Việt Nam, thanh long được xếp vào nhóm 12 cây ăn quả quan trọng của Việt Nam và là 1/9 cây trồng chủ lực của nước ta, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.

 

Thanh long được trồng rộng rãi ở các tỉnh thành trên toàn quốc và tập trung ở các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang… với diện tích trồng khoảng 53.000ha, trong đó Bình Thuận có diện tích thanh long lớn nhất cả nước với hơn 27.000ha.

Theo đó, Bộ NN&PTNN đề ra mục tiêu, đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu chỉ riêng ngành trái cây của Việt Nam sẽ đạt 3,6 tỷ USD. Để làm được điều này, ông Long cho rằng cần có nhiều chương trình, giải pháp cấp bách được tiến hành, trong đó có việc tổ chức lại sản xuất, phát triển thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn.

Trong thời gian qua, Việt Nam và New Zealand đã hợp tác nhiều chương trình, dự án về lĩnh vực nông nghiệp rất hiệu quả. "New Zealand đã hỗ trợ nước ta thông qua các chương trình, dự án hợp tác kinh tế về đào tạo, xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, xây dựng các phương pháp luận quan trọng phục vụ cho đầu tư phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn", Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết.

Đối với dự án phát triển giống trái cây cao cấp do New Zealand hỗ trợ sẽ là một cơ hội tốt để chúng ta thấy được bức tranh tổng thể về mô hình phát triển và thương mại hóa các giống trái cây cao cấp, trong đó có lộ trình cho quả thanh long chất lượng cao của Việt Nam.

"Hy vọng với những dự án như thế này sẽ giúp ngành trái cây ăn quả của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có cơ hội xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng trên thế giới”, ông Long nhấn mạnh.

 

Theo thống kê, rau quả của Việt Nam được xuất khẩu sang 40 nước và vùng lãnh thổ với 13 thị trường lớn trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan… với giá trị sản xuất rau quả đạt 3,8 tỷ USD năm 2018, trong đó ước tính các sản phẩm từ hoa quả chiếm khoảng 80% chủ yếu là thanh long.
Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm