Thị trường

Tạo kênh kết nối cung ứng nông sản

Việc tạo kênh kết nối, liên kết sản xuất - tiêu thụ và xây dựng các trung tâm cung ứng nông sản đều đòi hỏi vai trò tích cực, cam kết rõ ràng hơn nữa giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã (HTX).

Xuất khẩu nông sản bền vững sang Trung Quốc: Không thể tiếp tục chậm trễ! / Điều kiện tiên quyết để xuất khẩu nông sản thành công vào Trung Quốc

Bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc công ty TNHH Kim Đồng Thuận (tỉnh Đồng Nai), cho biết vừa mới ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê hữu cơ cùng các hộ nông dân, tổ hợp tác, HTX ở huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) với tổng diện tích bước đầu đăng ký thực hiện hữu cơ là 178ha, tương đương sản lượng 900 tấn cà phê thu lại từ mỗi mùa vụ.

Liên kết sản xuất – tiêu thụ

Tổng sản lượng từ những hợp đồng ký kết này, theo bà Nhung, là còn rất khiêm tốn so với hợp đồng của công ty cung cấp độc quyền sản phẩm cà phê hữu cơ trong 6 năm cho các thị trường lớn nhưng khó tính như Mỹ, Canada, Đức…

Theo chia sẻ của vị nữ giám đốc này, tiêu chí của công ty là có hợp đồng đầu ra ổn định lâu dài cho người nông dân và các HTX trồng cà phê hữu cơ với giá bao tiêu cà phê trong hợp đồng là 40.000 đồng/kg trong khi giá thu mua trên thị trường hiện chỉ vào khoảng 33.000 đồng/kg.

“Giá thị trường rất bấp bênh lại không thu mua hoặc bị thương lái ép giá. Cho nên với hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ này sẽ giúp các nông dân, HTX yên tâm sản xuất, trồng trọt. Còn lại các quy trình kỹ thuật hữu cơ, bón phân, sử dụng thuốc, thu mua đã có công ty lo”, bà Nhung nói.

Đó là việc nông dân được hưởng lợi từ hợp đồng nêu trên, còn về phía doanh nghiệp (DN), họ cũng sẽ được đáp ứng nguồn cung ổn định về cà phê hữu cơ để cung cấp theo những hợp đồng xuất khẩu đã ký kết.

Có thể nói, việc tạo kênh kết nối cung ứng nông sản với đầu ra ổn định, giá tốt giữa DN với nông dân, HTX luôn được khuyến khích. Các hình thức liên kết sản xuất – tiêu thụ thời gian qua cho thấy đã mang lại những kết quả tích cực cho cả nông dân lẫn DN tham gia liên kết.

Hơn thế nữa, việc phát triển hệ thống các trung tâm cung ứng nông sản Việt hiện đại cũng là điều cần được đặt ra bên cạnh hoạt động liên kết giữa DN với nông hộ.

Tại hội thảo bàn về định hướng phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại đến năm 2030 tổ chức ở Tp.HCM ngày 18/11, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng đây là vấn đề quan trọng để kết nối tốt hơn sản xuất với phân phối và tiêu dùng nông sản tại thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu.

Mặt khác, theo ông Nam, việc này cũng nhằm giúp phát triển thương mại dịch vụ ngành hàng nông sản, bảo đảm cho nông sản Việt có chất lượng tốt hơn, an toàn hơn, cũng như góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

Việc kết nối cung ứng nông sản cần vai trò lớn của DN

Việc kết nối cung ứng nông sản cần vai trò lớn của DN

Tạo “động lực đẩy”

Trong khoảng thời gian 5 – 10 năm tới, việc hình thành hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại đặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ hay việc thành lập trung tâm thu gom nông sản ở các vùng sản xuất trọng điểm, các cửa khẩu quan trọng được cho là sẽ tạo ra một kênh tiêu thụ bền vững đối với các mặt hàng nông sản của địa phương, đáp ứng được các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Để ra đời các trung tâm cung ứng nông sản này không thể thiếu vai trò của DN với việc đầu tư xây dựng theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Thực tế cho thấy, ở Việt Nam, việc tạo kênh kết nối cung ứng nông sản, cũng như việc hình thành chuỗi giá trị nông sản hoàn chỉnh từ người sản xuất (nông dân, tổ hợp tác, HTX) với DN vẫn còn chiếm tỷ lệ rất thấp, phần lớn các liên kết trong chuỗi vẫn rất lỏng lẻo, chủ yếu thông qua trung gian.

 

Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Trần Văn Đức, Tổng giám đốc CTCP xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) về mô hình liên kết giữa DN với nông dân trong chuỗi giá trị dừa ở Bến Tre, công ty sẽ bao tiêu dừa trái trực tiếp từ nông dân và thu mua bằng tiền mặt theo giá thị trường từng thời điểm.

Ưu điểm của phương thức bao tiêu này là đạt được sự công bằng những người nông dân khác khi giá mua theo giá thị trường. Ngoài ra, còn được bảo hiểm rủi ro như việc đảm bảo mua giá sàn khi dừa rớt giá. Hơn nữa, còn đảm bảo lợi ích lâu dài từ cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ rủi ro, hợp tác hai bên cùng có lợi, hạn chế tình trạng thương lái ép giá nông dân.

Còn đối với DN, theo ông Đức, sẽ có được sự ổn định nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất. Công ty cũng chủ động được khâu sơ chế nguyên liệu đầu vào, bảo đảm yêu cầu chất lượng

Việc giảm chi phí là điều mà DN cùng nông dân được hưởng lợi khi hình thành chuỗi liên kết từ khâu trồng – chăm sóc, thu hoạch – thu gom, vận chuyển và chế biến – xuất khẩu, góp phần làm giảm chi phí trung gian không hợp lý.

Theo khuyến nghị của ông Đức, cần xây dựng mô hình liên kết tập trung tại các vùng nguyên liệu trọng điểm nhằm giảm chi phí quản lý. Các DN cũng phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu công nghệ chế biến, đảm bảo thị trường đầu ra ổn định, đảm bảo bao tiêu nguyên liệu theo giá thị trường, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

 

Giới chuyên gia cho rằng việc hình thành tốt sự liên kết sản xuất – tiêu thụ giữa DN và nông dân trong sản xuất sẽ tạo được “động lực đẩy” cho nông sản ra thị trường tới tay người tiêu dùng và là một trong những điều kiện cần thiết để hình thành các trung tâm cung ứng nông sản trong tương lai.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm