Tây Ninh: Nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường nhờ hợp tác nuôi gà thả vườn
Hậu Giang: Làm giàu từ nuôi dế / Bàn giải pháp phát triển chăn nuôi tằm bền vững
Mô hình phù hợp
Tổ hợp tác (THT) Đồng Cỏ Đỏ được thành lập từ năm 2017, với 8 thành viên. Sau hơn 2 năm hoạt động, số thành viên HTX nâng lên con số 10. Nhờ hoạt động ổn định, HTX đang trở thành điểm tựa sản xuất sạch, hiệu quả cho các hộ thành viên.
Với tư cách là Tổ trưởng THT, ông Nguyễn Quốc Việt đang phát triển mô hình nuôi gà thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAP, quy mô hơn 200 con/lứa, với những tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Giống như các hộ thành viên khác trong THT, gia đình ông Việt cũng được Trung tâm Khuyến nông Tp.Tây Ninh tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi gà trên đệm lót sinh học và cách thức nuôi gà thả vườn.
Nhờ được tập huấn kỹ về quy trình chăn nuôi sinh học, đàn gà của ông Việt và các viên THT phát triển ổn định từ những lứa đầu tiên triển khai. Tuân thủ đúng kỹ thuật giúp quá trình chăn nuôi thuận lợi, đàn gà phát triển mạnh, tỷ lệ gà bị mắc dịch bệnh thấp.
“Sản xuất sạch giúp chất lượng gà thương phẩm tăng, sức cạnh tranh trên thị trường được đảm bảo, qua đó giá bán cũng được duy trì ở mức ổn định từ 65 – 70 nghìn đồng/kg. Vào những dịp lễ tết, các sản phẩm gà của THT rất được ưa chuộng nên giá có thể cao hơn 30 – 35%”, ông Việt cho hay.
Nuôi gà trên đệm lót sinh học mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường
Lợi ích môi trường
Với giá bán ổn định, cứ bình quân 1.000 con gà, thành viên THT Đồng Cỏ Đỏthu về 40 - 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Bình quân mỗi năm, người dân có thể nuôi 3 lứa, tổng thu nhập có thể đạt trên dưới 150 triệu đồng - mức thu nhập khá cao tại các vùng chăn nuôi trong tỉnh.
Tổ trưởng THT Nguyễn Quốc Việt cho biết lợi ích lớn nhất của mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học không chỉ về giá trị kinh tế cao mà còn là về môi trường, giảm công lao động.
Hiện, các thành viên THT sử dụng chế phẩm sinh học rải trên nền chuồng nhằm giảm thiểu mùi hôi và phân chuồng khô, nên không phải tốn công dọn quét chuồng thường xuyên như nuôi trên nền bê tông như trước.
Nhờ chế phẩm sinh học, nền chuồng nuôi luôn khô ráo, chất thải của gà được thẩm thấu nên không bị dính lên lông, lông gà lúc nào cũng sáng và sạch, giúp gà phát triển nhanh và khỏe mạnh.
Theo các thành viên THT, quy trình ứng dụng đệm lót sinh thái khá đơn giản, ban đầu người nuôi thực hiện làm đệm lót dày khoảng 10 cm, rải trấu lên nền chuồng rồi thả gà con vào nuôi. Sau khoảng 2 tuần, phân gà đã phủ lớp bề mặt, tiến hành cào lớp phân và tiến hành rải đều chế phẩm men Balasa- N01 được pha trộn và ủ sẵn với bột bắp hoặc cám gạo lên bề lớp đệm lót.
Ngoài ra, việc nuôi gà bằng đệm lót sinh thái sử dụng chế phẩm Balasa- N01, phân chuồng có thể bón cho vườn cây đều không có mùi hôi. Sử dụng đệm lót sinh thái, nền chuồng lúc nào cũng khô ráo, gà phát triển khỏe, ít nảy sinh dịch bệnh, người nuôi nhanh xuất chuồng và ít rủi ro.
“Để đảm bảo hiệu quả bền vững, trong những năm qua, thành viên THT luôn thực hiện chặt chẽ quy trình chăn nuôi gà an toàn sinh học, quy trình xử lý chất thải trong quá trình nuôi, qua đó vừa nâng cao giá trị kinh tế, vừa góp bần bảo vệ môi trường tại địa phương”, Tổ trưởng Nguyễn Quốc Việt khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
THT Đồng Cỏ Đỏ đang phát huy hiệu quả của mô hình nuôi gà sinh học