Thách thức khi đồng USD liên tục tăng giá
Vĩnh Long: Nông dân huyện Long Hồ lãi lớn nhờ áp dụng kỹ thuật xử lý chôm chôm trái vụ / Tiền Giang ra mắt Điểm bán hàng Việt thứ 3 tại TP Mỹ Tho
Rạng sáng 22/9 (giờ Việt Nam),Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm % nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua, đưa lãi suất cơ bản tại Mỹ lên mức từ 3 - 3,25%, cao nhất từ năm 2008. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 của Mỹ trong năm nay, biện pháp đã không được dùng đến trong nhiều thập kỷ.
Những thay đổi của chính sách tiền tệ thế giới sẽ có tác động lớn đến Việt Nam bởi độ mở của nền kinh tế cao tới 200% GDP, trong khi sức chống chịu và khả năng cạnh tranh vẫn còn có những hạn chế.
Đáng chú ý, có tới hơn 70% hợp đồng mua bán quốc tế của Việt Nam là được thanh toán bằng đồng USD. Do đó, bất cứ biến động nào của tỷ giá cũng đều tác động trực tiếp lên doanh nghiệp có hoạt động mua bán với nước ngoài.
Bất cứ biến động nào của tỷ giá đều tác động trực tiếp lên doanh nghiệp có hoạt động mua bán với nước ngoài. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Nhập khẩu hàng tiêu dùng trực tiếp, Công ty Xuất nhập khẩu BENNY tính toán, từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã tăng khoảng 2%, với mức tăng mạnh của đồng USD đến lúc này, khó giữ được giá bán ra.
"Giá đầu vào tăng sẽ khiến nhu cầu giảm sút. Hiện nhu cầu đã giảm sút so với năm 2021 khoảng 10 - 15%", ông Trần Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu BENNY, cho biết.
Còn với doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ giá tăng tưởng như có lợi, nhưng thực tế khi USD đắt đỏ, người tiêu dùng các nước thắt chặt hầu bao khiến đơn hàng sụt giảm. Nhiều doanh nghiệp dệt may bắt đầu ghi nhận mức giảm từ 30 - 40% đơn hàng trong thời gian tới.
"Khó khăn nhất hiện nay là thiếu đơn hàng, tỷ giá của chúng ta sẽ ảnh hưởng không quá lớn. Chúng ta phải tập trung vào khâu thị trường, tìm kiếm những dòng sản phẩm mới do sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng", ông Lưu Tiến Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, cho hay.
Dù là xuất khẩu hay nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đều phải trả chi phí vận tải quốc tế. Trong khi hiện nay toàn bộ cước này tính bằng USD. Giá USD cứ đắt thêm 1%, doanh nghiệp thuê tàu sẽ phải trả chi phí tăng lên đúng 1% đó, bất kể giá cước container là bao nhiêu.
"Khi tỷ giá tăng sẽ làm chi phí như xăng dầu, phụ tùng thay thế, chi phí phụ tùng, vật tư thay thế, phương tiện phải nhập khẩu sẽ tăng giá lên", ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Delta, chia sẻ.
Việc huy động vốn trên thị trường quốc tế sẽ khó hơn và lãi suất cao hơn. Áp lực giữ chân dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng là bài toán được đặt ra lúc này.
Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động
Như vậy, từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có 5 lần liên tiếp tăng lãi suất, nhằm hạ nhiệt lạm phát. Điều này cũng đã và đang gây nên một áp lực không hề nhỏ cho việc điều hành chính sách vĩ mô của Việt nam, nhất là chính sách tiền tệ.
Việc giữ một mặt bằng lãi suất và tỷ giá tương đối ổn định trong suốt thời gian qua đã góp phần tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh, hầu khắp các ngân hàng trung ương trên thế giới đều tăng mạnh lãi suất, mức tăng 1% mà chúng ta thực hiện có thể thích ứng hiệu quả với những diễn biến của kinh tế thế giới.
Ngay sau cuộc họp Chính phủ sáng nay (22/9) và cũng ngay sau khi FED điều chỉnh tăng lãi suất, cuối giờ chiều nay, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tăng một số lãi suất cơ bản. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn là 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu 3,5%/năm; cho vay qua đêm 6%/năm. Các mức lãi suất này đều tăng hơn so với mặt bằng cũ là 1%.
Chiều 22/9, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tăng một số lãi suất cơ bản. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Đây là một hành động hợp lý và có trách nhiệm với kinh tế vĩ mô nói chung. Chúng ta cũng hy vọng tình hình sẽ diễn ra đúng với những gì Ngân hàng Trung ương dự đoán", TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn giám sát tài chính tiền tệ quốc gia, đánh giá.
"Để vừa giữ được giá trị của đồng tiền Việt Nam thông qua giữ ổn định tỷ giá hối đoái và phá giá ở mức nhẹ, chúng ta phải đồng thời kết hợp với biện pháp điều hành chính sách lãi suất theo hướng tăng nhẹ và tìm ra điểm cân bằng để giải quyết được cả 3 bài toán vừa ổn định kinh tế vĩ mô thông qua giữ ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái; đồng thời không ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân thanh toán", TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính, nói.
"Mục tiêu kép chúng ta mong muốn và làm được tương đối tốt đến thời điểm này, cho cả năm sau đó là ổn định kinh tế vĩ mô ở mức tương đối nhất có thể và góp phần nào vào quá trình phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn giám sát tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định.
Một mặt bằng lãi suất mới sẽ hình thành và thể hiện rõ sự thích ứng của Việt Nam với diễn biến của tình hình kinh tế thế giới, đó là mục tiêu ưu tiên kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Có thể thấy, điều hành tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh tài chính, tiền tệ quốc tế biến động mạnh, nhiều đồng tiền phá giá ở mức cao là một thách thức rất lớn.
Từ đầu năm tới nay, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD, đồng tiền Việt Nam vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên "ổn định không có nghĩa là cố định" mà phải theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp với biến động của thế giới.
Mục tiêu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, vẫn tiếp tục là ưu tiên xuyên suốt, lâu lâu dài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo