Thị trường

Thái Bình: Làm giàu từ “táo đào vàng”

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, những năm qua, cựu chiến binh (CCB) Bùi Thế Trì, thôn Phạm, xã Phú Châu (Đông Hưng) đã vượt qua thương tật, mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả của gia đình sang trồng táo đào vàng và một số rau, củ, quả khác cho thu nhập cao.

Bắc Kạn: Làm giàu từ mô hình “nuôi cá trong rừng” / Thái Bình: Làm giàu nhờ trồng hành xuất khẩu

Năm 1975, sau khi xuất ngũ trở về địa phương với thương tật 61%, thấy kinh tế gia đình khó khăn, ông Trì không quản khó nhọc cùng vợ rong ruổi khắp nơi mua phế liệu về bán kiếm lời. Khi có lưng vốn thì rời làng ra mặt phố Tăng mở cửa hàng thu mua phế liệu và bán hoa quả song cuộc sống của gia đình vẫn chật vật bởi buôn bán khó khăn. Khi tỉnh có cơ chế cho nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả đất nông nghiệp, CCB Bùi Thế Trì quyết định rời phố về lại làng, chuyển đổi trên 1.500m2 đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ngày đầu ông vừa làm vừa thăm dò, học hỏi, tìm tòi loại cây ăn quả phù hợp với chất đất, cho hiệu quả kinh tế cao nhất để đưa vào trồng tại vườn của gia đình. Sau thời gian trồng thử nghiệm 35 cây táo đào vàng mà ông cất công mua từ Ninh Thuận ra có hiệu quả, ông mua thêm 65 cây nữa về trồng kín vườn. Vườn táo đến nay đã cho thu hoạch được 7 năm, thời gian thu hoạch từ tháng 11 năm trước tới giữa tháng 3 năm sau. Mỗi vụ táo thu được trên 3 tấn quả, bán được 100 - 150 triệu đồng. Táo vừa ngon vừa bảo đảm chất lượng nên người dân trong và ngoài xã tới tận vườn mua, ông Trì không phải đi chợ bán, cũng không phải lo đầu ra. Anh Trần Đình Cường, phố Tăng, xã Phú Châu cho biết: Tôi thường đến mua táo tại vườn nhà ông Trì về ăn và làm quà biếu mang đi các tỉnh, mọi người đều khen ngon bởi táo quả to, vỏ bóng, ngọt, giòn, hạt nhỏ.

Cựu chiến binh Bùi Thế Trì thu hoạch táo.

Cựu chiến binh Bùi Thế Trì thu hoạch táo.

Để có vườn táo trĩu quả, chất lượng cao, không sâu, ông Trì luôn chăm sóc, bón phân cho từng gốc táo theo đúng quy trình. Ông Trì cho biết: Vườn táo tôi trồng, chăm sóc theo đúng kỹ thuật mà người cháu là chủ vườn táo lớn trong Ninh Thuận hướng dẫn. Trồng táo theo luống, theo hàng, khi thu hoạch hết quả thì đốn cây, quét vôi lên thân cây để khử nấm, chống sâu bệnh cho cây đồng thời rắc toàn bộ vôi bột dưới đất quanh gốc cây. Khi táo ra hoa ruồi đến nhiều thì phun thuốc trừ ruồi, khi táo có quả thì đánh ruồi bằng phương pháp thủ công để không ảnh hưởng đến chất lượng quả. Khi quả táo to bằng ngón tay cái thì bón phân kali đỏ kết hợp với nước đậu tương nghiền ngâm hàng năm trời cho cây... Đặc biệt, để cây táo không bị gãy cành khi có gió bão, khi trĩu quả, dễ chăm sóc và thu hoạch, ông Trì đã làm giàn cho táo rất công phu. Ông chia sẻ: Làm giàn cho táo có nhiều lợi ích nhưng mất nhiều thời gian, công sức, vì cành táo rất giòn, dễ gãy nên phải uốn cành cho leo giàn đúng thời điểm cây nẩy lộc, vươn chồi. Có giàn đỡ nên dù vườn táo ở ngoài cánh đồng song nhiều năm qua táo của gia đình ông Trì ít bị gió bão gây thiệt hại, khi thu hoạch chỉ cần đứng dưới hái quả chứ không phải víu cành hay bắc ghế như các hộ trồng táo khác.

Để tăng thu nhập cho gia đình, ông Trì tận dụng diện tích trống bên dưới làm luống trồng cà chua, khi đốn táo thì cà chua cũng đã ra hoa. Ông còn tận dụng diện tích bờ rào quanh vườn táo trồng nghệ, gừng, củ từ, đỗ leo, cà chua, dưa chuột, hoa thiên lý. Các loại rau, củ này mỗi năm cũng đem lại nguồn thu hàng chục triệu đồng cho gia đình.

Ông Tạ Xuân Thược, Chủ tịch Hội CCB xã Phú Châu khẳng định: Với sự cần cù, năng động và quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”, CCB Bùi Thế Trì đã đưa gia đình vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Nhiều năm qua ông Trì đều đạt danh hiệu “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi”, được các cấp hội CCB khen thưởng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm