Thanh Hóa: Mô hình trồng cây dược liệu cho giá trị thu nhập cao
Phú Thọ: Làm giàu từ mô hình chăn nuôi gia cầm / Thanh Hóa: “Treo bằng” đại học về quê nuôi giun, thu nửa tỷ đồng mỗi năm
Mô hình trồng cây dược liệu của vợ chồng chị Lê Thị Nước, xã Đông Hoàng cho thu nhập khá, ổn định.
Chị Lê Thị Nước cho biết: “Ban đầu, gia đình trồng thí điểm để kiểm nghiệm, sau đó mới mở rộng diện tích, nhưng quá trình làm vẫn gặp khó khăn. Khi đã chuyển đổi cây trồng mới thì mình phải chịu khó học hỏi, làm dần thành quen việc và có thêm kinh nghiệm nên những khó khăn do cây chết, sâu bệnh, cây đẻ nhánh ít... được vợ chồng tôi khắc phục ngay. Đến nay, trung bình mỗi sào cho lợi nhuận 20 - 30 triệu đồng/năm”.
Anh Lê Xuân Minh cho biết thêm: “Năm 2014, tình cờ biết được nhiều địa phương đang phát triển trồng cà gai leo và được các công ty dược liệu thu mua, vợ chồng tôi mạnh dạn mua giống, cải tạo đất và trồng. Giá cà gai leo khô khi đó là 50 - 60 nghìn đồng/1 kg, nhiều người dân Đông Hoàng thấy vợ chồng tôi làm hiệu quả đã chuyển đổi sang trồng cà gai leo cho thu nhập khá. Tuy nhiên, có thời điểm gặp khó khăn do doanh nghiệp không thu mua, giá dược liệu xuống thấp, nhiều hộ dân phải phá bỏ. Không nhụt chí trước khó khăn, gia đình tôi vẫn duy trì diện tích cà gai leo và tìm thị trường tiêu thụ mới là các nhà thuốc nam, các đại lý trong và ngoài tỉnh, đồng thời tiếp tục tìm hiểu để trồng các loại cây dược liệu khác”.
Mô hình trồng cây dược liệu của vợ chồng chị Lê Thị Nước, xã Đông Hoàng cho thu nhập khá, ổn định.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, gia đình anh Minh, chị Nước có gần 2 ha dược liệu đang cho thu hoạch gồm hai loại chính là cà gai leo và kim ngân, ngoài ra còn có một số dược liệu khác cũng đang được trồng thử nghiệm. Ngoài bán sản phẩm thô, gia đình anh Minh còn đầu tư dây chuyền nấu cao các sản phẩm dược liệu, trong đó sản phẩm cao cà gai leo được Hội LHPN huyện Đông Sơn hỗ trợ làm tem nhãn truy xuất nguồn gốc đã có thị trường tiêu thụ ổn định. Anh Minh dự kiến, năm 2020, gia đình sẽ thuê thêm 6 ha đất để mở rộng diện tích.
Hiện xã Đông Hoàng có gần 20 hộ trồng dược liệu với tổng diện tích khoảng 7 ha. Các hộ cho biết, nếu cây cà gai leo được chăm sóc tốt chỉ sau 4 tháng có thể thu hoạch cả thân, rễ cây rồi cắt khúc, phơi khô, không để nơi ẩm ướt. Cây cà gai leo có thể pha nước uống trực tiếp hoặc nấu cao. Uống nước nấu từ cây cà gai leo có rất nhiều công dụng cho sức khỏe như: Hạ men gan, giảm mỡ máu, hỗ trợ điều trị bệnh xơ gan... Mỗi ha cà gai leo và kim ngân đều cho sản lượng từ 14-16 tấn sản phẩm khô/năm, giá bán 35-45 nghìn đồng/1 kg, mỗi ha cho thu nhập tới hàng trăm triệu đồng/năm. Do phần lớn các hộ trồng cây dược liệu là hội viên, phụ nữ nên Hội LHPN huyện Đông Sơn đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ các hộ tập hợp thành lập mô hình kinh tế tập thể HTX trồng dược liệu xã Đông Hoàng do phụ nữ làm chủ để cùng nhau liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị thu nhập. Mô hình dự kiến có khoảng 20 thành viên tham gia.
Chị Lê Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Hoàng, cho biết: Cây dược liệu là loại cây trồng mới đang mở ra hướng làm giàu cho nhiều hội viên và người dân trong xã. Được sự quan tâm hỗ trợ của hội cấp trên, cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện, việc thành lập mô hình HTX trồng cây dược liệu do phụ nữ làm chủ sẽ giúp các hộ chia sẻ kinh nghiệm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm thuận lợi hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo