Thị trường

Thanh long Bình Thuận được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

DNVN – Sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, Bộ Nông-Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận vào ngày 7/10. Đây là sản phẩm nông sản thứ 2 của Việt Nam (sau vải thiều Lục Ngạn) được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Sản phẩm được sử dụng chỉ dẫn địa lý “Tinh dầu tràm Huế” phải đáp ứng những yêu cầu gì? / Cam Cao Phong, chè Mộc Châu nằm trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU bảo hộ

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cho biết, đây có thể coi là "giấy thông hành" của thanh long Việt Nam vào thị trường Nhật Bản và mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand...

Quả thanh long Bình Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa vào ngày 15/11/2006 theo Quyết định số 786/QĐ-SHTT, và ngày 08/07/2011, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND kèm theo Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho sản phẩm quả thanh long.

Nhật Bản vốn là một thị trường “khó tính”, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về sửa đổi hồ sơ cho phù hợp với yêu cầu phía Nhật Bản như lược bỏ đặc tính không cần thiết của quả thanh long Bình Thuận (theo khuyến nghị của FIAB); bổ sung tài liệu chứng minh danh tiếng sản phẩm.

Thanh long Bình Thuận chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Thanh long Bình Thuận chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận được bảo hộ tại Nhật Bản đã góp phần làm tăng giá trị các sản phẩm Việt Nam, tạo thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu, từng bước đưa các đặc sản vùng miền gắn tên với các địa danh của Việt Nam được bảo hộ bằng một cơ chế bảo hộ tương đối mạnh, bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây cũng là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản, cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.

Đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, giúp thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương, đồng thời thúc đẩy cuộc chiến chống lạm dụng và gian lận thương mại; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn.

Từ đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao Sở KH-CN phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan hỗ trợ các hiệp hội nghề nghiệp đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho sản phẩm quả thanh long. Điều này đã nâng tầm danh tiếng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận, thúc đẩy quá trình phát triển sản phẩm thanh long Bình Thuận.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm