Thị trường phía Nam: Bán hàng online tăng mạnh, khâu vận chuyển hàng hóa cần tháo gỡ khó khăn
DNVN - Theo đánh giá của Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang dần đi vào ổn định, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, giá cả không tăng, hình thức bán hàng online và trực tuyến được đẩy mạnh.
Bình Dương lập “chợ trời” bán nhu yếu phẩm cho người dân / TP Hồ Chí Minh: Dự kiến mở lại khoảng 40 chợ truyền thống
TP Hồ Chí Minh: Lượng khách mua sắm giảm
Báo cáo của Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương cho thấy, tại hệ thống chợ TP Hồ Chí Minh ngày 20/7, lượng khách mua sắm tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi giảm so với các ngày trước đó và đang dần ổn định. Mãi lực chợ ngày 20/7 giảm nhẹ 5% đến 10% so với ngày 19/7. Tại hệ thống siêu thị, mãi lực ngày 19/7 giảm 15% so với ngày 18/7 và gần 25% so với ngày thường. Trong khi đó, các hình thức bán hàng online, đặt hàng trực tuyến đều tăng mạnh.
Hàng hóa tại các hệ thống phân phối được cung ứng đầy đủ, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả ổn định. Các hệ thống phân phối cũng tăng thời gian bán hàng để phục vụ người dân, tăng cường nhận đặt hàng qua điện thoại, qua online và giao tận nhà. Ngoài ra, các hệ thống phân phối tiếp tục áp dụng việc giới hạn đối với khách hàng mua một số loại hàng hóa được bình ổn giá nhằm ngăn tình trạng người mua số lượng lớn để ra ngoài bán lại với giá cao hơn.
Ảnh minh họa.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã huy động các doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, logistics, có đủ năng lực và điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng và phân phối hàng hóa để cung cấp nguồn hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định, chất lượng đảm bảo tại hơn 1.000 điểm bán.
Thành phố cũng công khai thông tin 2.833 điểm bán theo từng địa bàn để người dân được biết và đến mua sắm. Ngoài các điểm bán hàng nêu trên, các điểm bán hàng khác trên địa bàn TP vẫn hoạt động bình thường. Các hình thức bán hàng online, đặt hàng trực tuyến đều tăng mạnh. Trong sáng ngày 20/7 đã tổ chức thêm 82 điểm bán hàng và điểm lưu động, nâng tổng số lên 634 điểm bán.
Các tỉnh phía Nam: Hàng hóa cung ứng dồi dào
Theo ghi nhận của Tổ Công tác, tỉnh Đồng Tháp có 43/182 chợ, 1/9 siêu thị, 6/52 cửa hàng tiện lợi đã ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Tuy nhiên, tỉnh đã huy động 54 đơn vị tham gia cung ứng hàng nông sản để đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu; sức mua giảm do người dân hạn chế ra ngoài. Người dân được thông báo rộng rãi về các điểm bán hàng tạm dừng hoạt động để đi mua hàng hóa ở các chợ, cửa hàng lân cận; triển khai mô hình đi chợ hộ, bán hàng online.
Tỉnh An Giang hiện có 4 chợ nằm trong khu vực phong toả và chưa hoạt động trở lại. Các chợ còn lại, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích vẫn mở cửa hoạt động bình thường. Tỉnh có 20 chợ (trong đó Long Xuyên 8 chợ, Châu Thành 12 chợ) và 16 xã, 2 thị trấn của huyện Chợ Mới thực hiện phát phiếu đi chợ vào các ngày chẵn hoặc lẻ.
Trong ngày 20/7, tình hình trao đổi hàng hóa trên địa bàn diễn ra ổn định với sức mua không tăng so với ngày 19/7. Hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm,… có nguồn cung dồi dào. Riêng một số cửa hàng của hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh đang khan hiếm các mặt hàng thực phẩm tươi sống do kho hàng đặt tại quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ có ca nhiễm COVID-19. Giá các loại thực phẩm tươi sống trong ngày nhìn chung có tăng nhẹ hơn so với ngày thường.
Tổ Công tác đánh giá, đến nay nhìn chung, tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nguồn cung hàng thực phẩm (kể cả thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả) dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân nhưng ít người mua. Giá bán ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi không tăng.
Tại các chợ truyền thống, đa số còn hoạt động và hoạt động bình thường, chỉ ở những tỉnh có nhiều người nhiễm COVID-19 như Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, nhiều chợ phải đóng cửa. Các chợ bán đầy đủ các loại hàng hoá, giá giảm so với ngày trước khi thực hiện giãn cách. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hoá từ các địa phương về TP Hồ Chí Minh và từ phía TP Hồ Chí Minh tới các địa phương vẫn còn khó. Do vậy, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương vẫn tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế và các địa phương để tháo gỡ.
Đề nghị tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển hàng hóa
Ngày 20/7, Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương đã làm việc với Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, cơ quan liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ, cung ứng nông sản trong mùa dịch cho các tỉnh, thành miền Nam; đồng thời, bàn bạc thống nhất về nhiệm vụ của 2 Tổ và sự phối hợp giữa 2 Tổ để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa.
Trước đó, ngày 19/7, Tổ Công tác đã làm việc trực tuyến với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội vận tải Thành phố Hồ Chí Minh và một số đơn vị, doanh nghiệp liên để nắm bắt các khó khăn vướng mắc và các đề xuất kiến nghị.
Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị của một số đơn vị như siêu thị MM Mega Market, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn SATRA, Saigon Co.op, Hiệp hội vận tải TP Hồ Chí Minh, Tổ Công tác đã kịp thời kết nối để làm việc với các đơn vị có liên quan. Theo đó, kết nối thông tin nguồn hàng của Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai do tỉnh Đồng Nai có thể cung cấp thịt heo với số lượng 7.000-8.000 con/ngày, trứng khoảng 1 triệu quả/ngày. Kết nối làm việc với Hiệp hội vận tải TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ trong khâu lưu thông khi cần thiết. Đồng thời, Tổ Công tác cũng đề nghị Hiệp hội vận tải TP Hồ Chí Minh hỗ trợ vận chuyển cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong vận tải…
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Cột tin quảng cáo