Thông thoáng quy định xuất nhập khẩu giúp doanh nghiệp vàng phát huy thế cạnh tranh
Cấm ngân hàng cho vay vốn để mua vàng miếng từ 15/3 / Đề xuất rút ngắn thủ tục cấp phép kinh doanh vàng miếng
Vừa qua, trước những diễn biến phức tạp của thị trường trong nước làm giá vàng biến động mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Công điện đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu "dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia".
Chia sẻ tại tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững", ngày 25/1, chuyên gia kinh tế Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định những định hướng mà Công điện 1426/CĐ-TTg đưa ra rất rõ ràng. Vấn đề là cách làm hiện nay như thế nào.
“Tôi cho rằng, về điều hành theo cơ chế thị trường, tức là chúng ta cần phải làm cho cung - cầu gần nhau theo hướng không chênh lệch giữa giá vàng thế giới so với giá vàng trong nước. Theo tôi, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phải độc quyền vàng miếng SJC thì cần gia tăng Quỹ dự trữ vàng và sẵn sàng tăng cung vàng miếng một khi giá vàng SJC cao hơn bất thường so với giá vàng thế giới để bình ổn giá”, ông Thọ nói.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, hiện Việt Nam không kiểm soát được ngoại tệ để nhập lậu vàng. Bản thân các doanh nghiệp khi đang thực hiện việc sản xuất kinh doanh vàng trang sức có nhu cầu về vàng nguyên liệu thì cũng không biết mua ở đâu và mua trôi nổi trên thị trường sẽ rất là rủi ro về mặt pháp luật.
Một thực tế khác là khi giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới thì không xuất khẩu được. Đó là chưa kể tới, mức thuế xuất khẩu 1% giá xuất khẩu vàng trang sức là chi phí rất lớn đối với các doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu càng gặp khó.
Theo tổng kết của Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu thực tế có những thời gian Việt Nam nhập cao nhất 60 tấn vàng, còn nhu cầu hiện nay (không tính để sản xuất vàng miếng) ít nhất cũng cần 20 tấn vàng nhập khẩu mỗi năm. Nhưng từ năm 2012 đến nay, Việt Nam không nhập khẩu một lượng vàng nào cả theo con đường chính thống.
Chính vì thế, không thể cản được việc buôn lậu và hậu quả của nó là chảy máu ngoại tệ. Nhà nước không kiểm soát được và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức cũng gặp rủi ro trong việc mua bán vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường.
“Chúng ta đang làm một quy trình ngược, tức là mua vàng tiêu chuẩn quốc tế 9999 về sản xuất ở Việt Nam để nội địa hóa bằng vàng SJC. Nếu mình có nhu cầu xuất khẩu vàng nguyên liệu ra nước ngoài thì vàng SJC đó lại không được công nhận là vàng tiêu chuẩn quốc tế.
Một doanh nghiệp có vàng trang sức xuất khẩu mà chuyển đổi để xuất khẩu đi thì phải chịu chi phí rất lớn, trung bình từ 12-15 USD cho 1 ounce. Rõ ràng, chúng ta nhập vàng về để sản xuất ra vàng miếng là không nên và không nên khuyến khích việc tiêu thụ vàng miếng”, ông Hùng đề xuất.
Đồng tình với ý kiến này, GS, TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, sự thông thoáng trong quy định xuất nhập khẩu sẽ là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp vàng phát huy thế mạnh cạnh tranh. Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho ngành nghề sản xuất vốn là thế mạnh của Việt Nam.
Ông Cường khuyến nghị thị trường vàng vật chất phải mở cửa để tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp. Không nên độc quyền một sản phẩm để tạo ra cung lớn hơn, rộng rãi, bình đẳng, cạnh tranh.
“Khi chúng ta có sàn vàng, người dân sẽ thay đổi tâm lý. Về tiện lợi là không phải đi xa, không phải lo cất trữ vàng, không phải lo vàng có phải 9999 thật không. Giao dịch vàng trên tài khoản sẽ giúp cả các công cụ phái sinh, bán vàng theo hợp đồng bán cho tương lai, không phụ thuộc việc nhập vàng về mới có bù cho thị trường, khi đó sẽ bảo đảm phản ứng rất kịp thời”, ông Cường cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo