Thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế giữa doanh nghiệp Đức và Việt Nam
Lạng Sơn: Tạm giữ 6.650 sản phẩm thuốc lá điện tử nhập lậu / Gắn trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra buôn lậu và hàng giả qua đường hàng không
Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức Nguyễn Minh Vũ. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)
Ngày 15/3, Hội thảo về phát triển kinh tế giữa Đức và Việt Nam đã diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự bảo trợ và đồng tổ chức của chính quyền thành phố Leipzig (bang Sachsen), Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, Cơ quan phát triển đầu tư InvestRegion Leipzig và Hiệp hội Ngôi nhà Đức-Việt (Deutsch-Vietnamesisches Haus e.V.).
Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu tại hội thảo có sự tham dự của hơn 120 đại biểu, Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh sự tham gia hội thảo của đông đảo doanh nghiệp Đức và Việt Nam là minh chứng cho sự quan tâm và mong muốn thúc đẩy, tăng cường quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa nước Đức nói chung, thành phố Leipzig nói riêng, với Việt Nam.
Đại sứ đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội nổi bật của Việt Nam thời gian qua, trong đó Việt Nam được các nhà đầu tư coi là điểm đến của dòng chuyển dịch đầu tư trong bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng như cạnh tranh thương mại trên thế giới.
Đại sứ nhấn mạnh, Việt Nam không chỉ có nguồn nhân lực dồi dào, cơ chế đầu tư thông thoáng, thuận lợi dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, mà Việt Nam còn được coi là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới.
Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại lớn như EVFTA, RCEP... sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Đức nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam, trong khi các hàng hóa của Đức cũng sẽ được thuận lợi trong việc xuất khẩu tới các nước ASEAN khác cũng như các nước lớn tham gia RCEP như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Đại sứ cũng đánh giá cao sự chuyển mình của thành phố Leipzig, với những chiến lược phát triển kinh tế-xã hội phù hợp, trở thành một trong những trụ cột về kinh tế của khu vực đô thị miền Trung nước Đức với một nền công nghiệp, hạ tầng, khoa học và công nghệ phát triển và là vườn ươm lý tưởng cho các doanh nghiệp startup.
Đại sứ tin tưởng thông qua hội thảo, doanh nghiệp hai bên sẽ có những trao đổi, xây dựng mối quan hệ hợp tác thiết thực, cùng có lợi, để có thể tận dụng tối đa những cơ hội mà quan hệ hợp tác giữa hai nước mang lại.
Phát biểu tại hội thảo, ông Burkhard Jung, Thị trưởng thành phố Leipzig bày tỏ vui mừng về sự phát triển tốt đẹp giữa thành phố Leipzig với Việt Nam nói chung cũng như với Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, trong đó việc các doanh nghiệp Leipzig và Việt Nam vừa ký thỏa thuận xây dựng một nhà máy nước ở tỉnh Long An là biểu hiện sinh động cho sự hợp tác khăng khít và hiệu quả giữa hai bên.
Ông nhấn mạnh thành phố Leipzig, một thành phố quốc tế, thành phố hội chợ, thành phố trường đại học, có quan hệ mở với thế giới và hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh, trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, thể thao và kinh tế trong những năm gần đây. Ông kỳ vọng với Hiệp định EVFTA, sự hợp tác giữa hai bên ngày càng được tăng cường.
Leipzig là thành phố đầu tiên của Đức mở văn phòng đại diện ở Việt Nam và có nhiều hoạt động hợp tác không chỉ về kinh tế mà cả về văn hóa, xã hội với Việt Nam và là thành phố có cộng đồng khoảng 3.500 người Việt Nam sinh sống.
Tại hội thảo, ông Bùi Vương Anh, Tham tán Thương mại Đại sứ quán đã trình bày về những cơ hội do Hiệp định EVFTA mang lại cho doanh nghiệp hai nước. Tiếp đó, đại diện Cơ quan xúc tiến thương mại Leipzig cũng thông tin về hoạt động hợp tác thương mại đầu tư giữa hai bên.
Công ty Kocks Ardelt Kranbau và Công ty cổ phần nước AquaOne Water Corporation chia sẻ những kinh nghiệm thực tế trong hợp tác kinh tế giữa hai bên.
Hội thảo cũng có phiên thảo luận bàn tròn với sự tham gia của các công ty, cơ quan liên quan cũng như đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Đức để chia sẻ sâu hơn và làm rõ một số vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm.
Theo Cơ quan xúc tiến thương mại thành phố Leipzig, hội thảo trực tuyến được tổ chức nhằm hướng tới các doanh nghiệp có ý định xâm nhập thị trường Việt Nam hoặc thị trường Đức thông qua những kinh nghiệm của các công ty Đức tại TP. Hồ Chí Minh và miền Trung nước Đức.
Trong năm 2020, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong ASEAN và thứ 5 tại châu Á, trong khi Đức duy trì là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, với kim ngạch song phương năm 2020 đạt trên 13 tỷ euro.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp