Thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Vì sao giá gạo xuất khẩu tiếp tục hạ nhiệt? / Không thể “chen chân” vào kênh bán lẻ quốc tế nếu doanh nghiệp giữ cách làm cũ
Với tinh thần khôi phục và thúc đẩy thị trườngtrái phiếu doanh nghiệptheo chỉ đạo thời gian qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cuối tuần qua, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) - đơn vị vận hành sàn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã tổ chức Hội thảo đối thoại và tháo gỡ vướng mắc trong việc đăng ký giao dịch trên sàn với các doanh nghiệp, ngân hàng và thành viên thị trường.
Đến thời điểm hiện tại, số lượng trái phiếu "có mặt" trên sàn vẫn tương đối khiêm tốn, sau gần 2 tháng kể từ khi sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vận hành, đến nay mới có khoảng 60 mã trái phiếu của các doanh nghiệp và ngân hàng được đưa lên sàn. Trong khi theo quy định khoảng 1.300 mã trái phiếu sẽ phải lên sàn trong 3 tháng tính từ khi sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đi vào vận hành.
Ảnh minh họa - Ảnh: anninhthudo
2/3 thời gian quy định đã trôi qua mà chỉ có 5% kế hoạch đạt được. Làm thế nào để gỡ nút thắt cho hơn 1.200 mã trái phiếu còn lại kịp lên giao dịch trong 1 tháng còn lại?
Đốc thúc các tổ chức phát hành đưa trái phiếu lên sàn giao dịch
Theo Sở GD chứng khoán Hà Nội, giá trị giao dịch trái phiếu qua sàn bình quân đã tăng lên hơn 450 tỷ đồng phiên, tuy nhiên, số lượng mã trái phiếu đang tăng khá chậm, nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp chưa hoàn thiện hồ sơ đăng ký.
Bà Vũ Thị Thúy Ngà, Phó Tổng Giám đốc, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), cho biết: "Trong thời gian vừa rồi, các doanh nghiệp bắt đầu tìm hiểu các quy định về thủ tục đăng ký, lưu ký và giao dịch tập trung. Câu hỏi mà họ thắc mắc nhiều nhất là họ làm không kịp thì như thế nào và thứ 2 là các quy định về công bố thông tin, cần phải thực hiện như thế nào và qua các phương tiện đại chúng ra sao".
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nói: "Khoản 3, điều 18, Nghị định số 156 cũng quy định rất rõ mức phạt liên quan đến hành vi không đăng ký giao dịch hoặc đăng ký giao dịch không đúng thời hạn và có chia rõ, việc quá hạn từ 1 tháng đến trên 12 tháng, tùy theo mức độ quá hạn sẽ bị xử phạt từ mức thấp nhất là 10 triệu đồng đến cao nhất là 400 triệu đồng, đồng thời có thể bị xử lý vi phạm bổ sung".
Theo thông tin từ Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, hiện mới có hơn 100 hồ sơ được gửi về. Mỗi ngày, tổng công ty đang xử lý khoảng 20-30 hồ sơ và gửi sang cho HNX. Như vậy, áp lực có thể sẽ dồn về trong thời hạn 1 tháng còn lại này.
Ông Phạm Trung Minh, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, cho biết: "Theo quy định, chúng tôi chỉ có 12 ngày để xử lý hồ sơ đăng ký, trong trường hợp tổ chức phát hành không khẩn trương đăng ký thì sẽ dẫn tới tình trạng, càng về cuối hạn, lượng hồ sơ càng nhiều và sẽ gây áp lực rất lớn cho Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam trong việc xử lý hồ sơ".
Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam cũng đã có phương án chuẩn bị về nhân lực để xử lý được nhiều hồ sơ hơn, đặc biệt hỗ trợ tiếp nhận hồ sơ qua hệ thống điện tử, kiểm tra và phản hồi trước, để tránh việc tổ chức phát hành phải in và gửi lại nhiều lần. Tuy nhiên, vấn đề chính là các tổ chức phát hành, đơn vị tư vấn cần tiết kiệm thời gian hoàn thiện và gửi hồ sơ hơn nữa, với tinh thần, càng sớm càng tốt.
Có thể thấy Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đang tích cực hướng dẫn các tổ chức phát hành nhanh chóng hoàn thiện thủ tục đưa trái phiếu lên sàn đảm bảo thời hạn. Tuy nhiên, đưa các mặt hàng lên thị trường là một chuyện còn nhà đầu tư có mặn mà tham gia giao dịch không lại là một chuyện khác.
Số đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 8 là 30 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị hơn 30.600 tỷ đồng. Những con số phát hành hàng chục ngàn tỷ mỗi tháng được duy trì từ giai đoạn tháng 6, điều này cho thấy tâm lý doanh nghiệp phát hành đã khá hơn và tiếp tục coi trái phiếu là kênh có thể huy động vốn bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng và cổ phiếu.
Xét về giá trị mua lại trái phiếu tháng 8, các doanh nghiệp vừa qua phải mua lại khoảng gần 17.500 tỷ đồng trái phiếu trên tổng số hơn 27.854 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Đã có 1 bộ phận không nhỏ (hơn 10.000 tỷ đồng) trái phiếu được đàm phán gia hạn thành công cho thấy nhà đầu tư có niềm tin hơn và kênh trái phiếu cũng như triển vọng phục hồi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận trái chủ và doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Việc này tạo không ít áp lực cho doanh nghiệp về dòng tiền trả nợ. Ngoài việc có thêm một sàn giao dịch tập trung – một chợ trái phiếu, vẫn cần thêm nhiều giải pháp từ các thành viên thị trường để tìm lại niềm tin cho kênh trái phiếu doanh nghiệp.
Thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ảnh minh họa - Ảnh: VOV.
Nhiều công ty chứng khoán cho biết đang chứng kiến sự trở lại của nhiều nhà đầu tư trái phiếu sau giai đoạn thị trường "ngủ đông". Kinh nghiệm là không làm mất tính hấp dẫn của sản phẩm đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Hoạt, Phó Tổng Giám đốc, CTCP Chứng khoán Kỹ thương Việt Nam, cho biết: "Trái phiếu chuyển đổi sang cổ phiếu có nghĩa là hết thời hạn trái phiếu, nhà đầu tư có quyền lựa chọn nhận gốc lãi hay chuyển sang nắm cổ phiếu, nhà đầu tư có quyền lựa chọn cổ phiếu hoặc không họ có thể nhận gốc lãi".
Nhiều công ty chứng khoán cũng đang chủ động phối hợp với đơn vị xếp hạng tín nhiệm để cho nhà đầu tư một cái nhìn rõ hơn trước khi ra quyết định mua trái phiếu thay vì chỉ nhìn vào lãi suất. Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), bên cạnh nâng cấp chất lượng sản phẩm và tính minh bạch, điều quan trọng để thu hút người mua trở lại với kênh trái phiếu phải là tính thông suốt.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhận định: "Người đánh giá tín nhiệm không chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư mà họ chỉ đưa ra đánh giá độc lập, còn trái chủ vẫn chỉ dùng thông tin đấy là tham khảo thôi còn vẫn phải tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Vì vậy, để thị trường vận hành tốt thì nhà đầu tư cần có lòng tin rằng kể cả khi thị trường chạy tốt và khi nó khó khăn, quyền lợi cơ bản của họ vẫn phải được bảo vệ".
Để tăng tính thanh khoản cho sản phẩm trái phiếu phát hành, nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị doanh nghiệp có thể xem xét chọn cách phát hành trái phiếu ra công chúng thay vì chỉ tập trung vào kênh riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, cho biết: "Doanh nghiệp khi chấp nhận phát hành riêng lẻ thì khả năng tiếp cận cộng đồng đầu tư bị thu hẹp so với công chúng. Riêng lẻ là làm việc trực tiếp nhiều với nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp và sẽ chịu khá nhiều điều kiện theo họ".
Phát hành công chúng dù chi phí cao hơn nhưng tất cả người dân đại chúng đều có thể được tiếp cận. Trong môi trường lãi suất tiết kiệm thấp, những trái phiếu công chúng có lợi suất hấp dẫn chắc chắn cũng sẽ thu hút không nhỏ lượng nhà đầu tư quan tâm trở lại kênh đầu tư trái phiếu.
Thay đổi góc nhìn tư duy ta có thể thấy, trong 3 tháng 6-7-8, các đợt phát hành trái phiếu có lãi suất trung bình 9 - 10%/năm rõ ràng là một mức lợi suất khá hấp dẫn trong bối cảnh hiện nay lãi suất tiết kiệm chỉ 5-6%. Đặc biệt, có nhiều doanh nghiệp phát hành với sức khỏe tài chính tốt và rất ít có khả năng vỡ nợ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam