Thị trường

Thúc đẩy thương mại Việt Nam - Hàn Quốc theo hướng cân bằng, bền vững

Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thúc đẩy thương mại giữa hai nước theo hướng cân bằng, bền vững.

Hải quan TP.HCM thu ngân sách vượt chỉ tiêu 300 tỷ đồng / Yên Bái: Yên Bình đẩy mạnh nguồn xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà Lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc. (Ảnh: TTXVN).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà Lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc. (Ảnh: TTXVN).

Đêm qua (28/11), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Hàn Quốc và tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Hàn Quốc và Hội nghị cấp cao Mekong - Hàn Quốc lần thứ nhất.

Ba sự kiện trong chuyến công du này không chỉ mở ra thêm những lĩnh vực hợp tác mới giữa ASEAN và Hàn Quốc mà còn tạo động lực để Hàn Quốc cùng Việt Nam và các nước Mekong làm nên những kỳ tích mới.

Đây là hội nghị quốc tế lớn nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in và đây là lần thứ 3 Hàn Quốc tổ chức hội nghị cấp cao với các nhà lãnh đạo ASEAN, sau hai hội nghị vào năm 2009 và 2014. Các hội nghị này là điểm nhấn trong Chính sách Hướng Nam mới của Tổng thống Moon Jae-in. Tại hội nghị này, Hàn Quốc đã nhấn mạnh tới tinh thần châu Á cùng với nhiều cam kết mạnh mẽ với ASEAN. Đây không chỉ để tạo thêm không gian mới cho phát triển của Hàn Quốc, mà các nước ASEAN có thể sử dụng được vốn và công nghệ của Hàn Quốc.

Theo đó, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định Hàn Quốc sẽ đóng góp vào gắn kết giữa khu vực hải đảo và khu vực lục địa ở Đông Á, thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào 19 dự án hạ tầng trọng điểm để kết nối ASEAN. Cam kết này phù hợp với đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc Hàn Quốc và ASEAN kết nối và phát triển hạ tầng các cảng biển dọc tuyến vận tải biển chiến lược từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, nối Đông Nam Á với Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng tăng cường chia sẻ dữ liệu vệ tinh về theo dõi biến đổi khí hậu và môi trường ở châu Á với ASEAN.

Đáp ứng đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN, Tổng thống Moon Jae-in đã công bố sẽ cải tiến hệ thống thị thực cho công dân ASEAN đi du lịch và làm việc tại Hàn Quốc, cùng với hỗ trợ đào tạo nghề cho 100 giáo viên và 400 người lao động cho ASEAN trong 3 năm tới, đồng thời tăng gấp đôi số lượng học bổng cho công dân ASEAN vào năm 2022.

Đa số các bên đối tác của ASEAN đều là những cường quốc. Nhưng Hàn Quốc với vị trí thứ 12 thế giới về GDP, nhờ động lực khoa học và công nghệ lại sẵn sàng chia sẻ vốn và công nghệ với ASEAN.

Tại hội nghị này, Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc trình diễn để quảng bá công nghệ và văn hóa rất cầu kỳ và đặc sắc với các nhà lãnh đạo ASEAN, cùng với cam kết, hỗ trợ ASEAN trong phát triển và ứng dụng những công nghệ mới vào phát triển đô thị, nông nghiệp, giao thông và hành chính công. Chính phủ Hàn Quốc sẽ thành lập Quỹ xây dựng nhà máy và thành phố thông minh với gần 1,3 tỷ USD, trong đó, gần 1/4 số tiền này sẽ được đầu tư cho các dự án phát triển mạng lưới 26 thành phố thông minh ở ASEAN, trong đó có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, một Trung tâm sáng tạo công nghiệp ASEAN - Hàn Quốc cũng sẽ được thành lập để hỗ trợ các nước ASEAN.

Cùng với hỗ trợ ASEAN phát triển khoa học công nghệ, lần đầu tiên Hàn Quốc sẽ kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của mình với các nước ASEAN. Bằng Hội nghị thượng đỉnh về khởi nghiệp, Hàn Quốc và ASEAN đã chính thức hóa "hợp tác và đoàn kết" với ASEAN. Theo đó, Hàn Quốc sẽ kết nối các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo rất thành công của mình với các hệ sinh thái khởi nghiệp của mỗi quốc gia ASEAN, thành một thể thống nhất. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các công ty khởi nghiệp là chìa khóa để "đổi mới" là "cơ hội" và "hy vọng" cho tất cả các quốc gia.

Còn tại Hội nghị Cấp cao lần đầu tiên giữa 5 nước ở hạ nguồn sông Mekong với Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư tại khu vực này, nhất là về phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị, cũng như và chia sẻ các kinh nghiệm, chính sách về phát triển công nghệ thông tin, chính phủ điện tử và triển khai mạng viễn thông di động 5G. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ các nước Mekong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ, đi cùng với tăng thêm các chương trình học bổng và trao đổi chuyên gia. Đây là cơ sở để 5 nước Mekong làm nên "Kỳ tích Mekong" tiếp nối "Kỳ tích sông Hàn".

Hai hội nghị cấp cao giữa Hàn Quốc với các nước ASEAN và với 5 nước Mekong là bước đi cụ thể của Hàn Quốc trong thực hiện Chính sách Hướng Nam mới trong đường lối đối ngoại của Tổng thống Moon Jae-in, với mục tiêu nâng tầm quan hệ với 10 nước ASEAN lên ngang tầm với 4 nước lớn là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Hàn Quốc cũng coi Việt Nam là đối tác trọng tâm trong Chính sách Hướng Nam mới. Từ kết quả kỳ tích giữa Việt Nam và Hàn Quốc và mối quan hệ tin cậy cao về chính trị giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, mà Hàn Quốc đã dành nghi lễ chào đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân với một thông điệp nhiều ý nghĩa khi đội quân nhạc chơi bài Nối vòng Tay lớn của nhạc sỹ của Trịnh Công Sơn.

Tổng thống Moon Jae-in coi chuyến thăm chính thức đầu tiên sau 7 năm của Thủ tướng Việt Nam tới Hàn Quốc là một dấu mốc trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất sau gần 30 năm qua. Nhất là sau khi hai nước đã đạt "kỳ tích" trong quan hệ, trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau trên nhiều lĩnh vực.

Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định mong muốn đưa mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước sau 10 năm lên một tầm cao mới và Việt Nam là đối tác trọng điểm trong Chính sách Hướng Nam mới. Vì hiện nay, Việt Nam là nơi đầu tư và thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Hàn Quốc, chiếm hơn 40% tổng kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Hàn Quốc và là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc trong ASEAN. Hàn Quốc cũng khẳng định ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm sau và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong 2 năm tới. Còn Việt Nam ủng hộ Hàn Quốc đăng cai Hội nghị Đối tác vì tăng trưởng xanh và các mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 vào giữa năm sau.

Cả Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc đều dành những tình cảm thịnh tình khi hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng với cam kết sẽ quan tâm hơn nữa tới cộng đồng 160.000 người Việt Nam tại Hàn Quốc. Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thúc đẩy thương mại giữa hai nước theo hướng cân bằng, bền vững, trong đó Hàn Quốc tiếp tục mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam. Vì với kim ngạch xuất nhập khẩu gần 70 tỷ USD, Việt Nam đang nhập siêu khá lớn, chủ yếu là máy móc và thiết bị.

Cùng với cân bằng cán cân thương mại, tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp ASEAN - Hàn Quốc hay tại Diễn đàn doanh nghiệp giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều kêu gọi Hàn Quốc hãy làm nên một kỳ tích mới ở Việt Nam, sau kỳ tích Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam và kim ngạch thương mại giữa hai nước từ 500 nghìn USD cách đây 27 năm lên gần 70 tỷ USD của năm nay.

Với việc các hãng hàng không của Việt Nam mở thêm các đường bay mới từ các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam tới Hàn Quốc, để đáp ứng làn sóng khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam, cùng với giá trị các thỏa thuận đầu tư ở 33 dự án với số vốn lên tới 19,5 tỷ USD được ký trong chuyến thăm này của Thủ tướng, đây là dấu hiệu cho thấy, các doanh nghiệp của hai nước có thể làm nên kỳ tích mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Hơn nữa nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc cũng khẳng định với Thủ tướng sẽ thực hiện kế hoạch xây dựng các cứ điểm về sản xuất và dịch vụ ở Việt Nam, cũng như thực hiện kết nối toàn diện với Việt Nam.

Tham dự hai Hội nghị cấp cao và thăm chính thức Hàn Quốc, với 30 hoạt động đa phương và song phương, chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Hàn Quốc đã mở ra những lĩnh vực hợp tác mới giữa ASEAN và Hàn Quốc, cũng như tạo xung lực đề Hàn Quốc làm nên kỳ tích sông Mekong giống như kỳ tích sông Hàn, cũng như "kỳ tích mới" trong quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc, góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm và tạo nên những động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm