Thị trường

Kiên Giang: Hướng đến nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu

Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2016, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang đang tích cực xây dựng để sớm trở thành huyện NTM nâng cao.

Ninh Thuận: Phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới / Tiền Giang: Đích huyện nông thôn mới vào năm 2020

Huyện Tân Hiệp là địa phương có đông đồng bào công giáo di cư, sống tập trung dọc theo các tuyến kênh. Đất đai được quy hoạch liền canh, liền cư, thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Ngoài canh tác lúa 2, 3 vụ/năm, người dân Tân Hiệp còn trồng rau màu, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt. Trình độ dân trí khá và lực lượng lao động dồi dào, được trải nghiệm trong thực tế sản xuất, người dân cần cù lao động, tích cực tăng gia sản xuất đã góp phần phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Năng suất lúa bình quân ở Tân Hiệp cao nhất tỉnh Kiên Giang hiện nay, đạt khoảng 17-18 tấn/ha/3 vụ/năm.

Đồng bào di cư sống tập trung thành từng khu vực. Họ còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của vùng đồng bằng Bắc bộ, từ kiểu kiến trúc nhà 3 gian, 5 gian, tính cần cù trong lao động, nhất là kinh nghiệm trồng lúa, rau màu, chăn nuôi, đến việc xây dựng nếp sống gia đình, chăm lo cho con cái ăn học. Đây là nền tảng để Tân Hiệp phát triển kinh tế, xây dựng NTM.

Chợ mới Tân Hiệp đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa

Chợ mới Tân Hiệp đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa

Khi phòng trào xây dựng NTM được phát động, có chương trình, kế hoạch cụ thể, cách làm của người dân đi vào bài bản, quy củ hơn, nguồn lực được tập trung hơn. Các nguồn vốn của Trung ương và tỉnh đã được phân bổ đến các đơn vị, địa phương, đảm bảo đúng nguyên tắc, bám sát quy định của Trung ương, đúng mục đích, đúng đối tượng, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Tháng 8/2019, huyện Tân Hiệp đã có 10/10 xã đạt chuẩn NTM, giai đoạn 2016-2020, tăng 5 xã đạt chuẩn so với giai đoạn 2010-2015. Đây là huyện hoàn thành mục tiêu 100% xã đạt chuẩn NTM sớm nhất Kiên Giang và là huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên và duy nhất của tỉnh tính tới thời điểm hiện tại, là cơ sở để huyện Tân Hiệp tiếp tục xây dựng các xã NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND huyện cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, huyện tập trung triển khai đến các xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục thực hiện theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao.

Trong đó, Tân Hiệp A và Tân An là 2 xã được chọn điểm chỉ đạo, phấn đấu đến năm 2020, huyện có ít nhất 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Qua khảo sát thực tế xã Tân Hiệp A đạt 12/13 tiêu chí, xã Tân An đạt 13/13 tiêu chí.

 

Thời gian qua, huyện đã tập trung phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn huyện có 59 hợp tác xã (HTX), trong đó 58 HTX nông nghiệp và 1 HTX tiểu thủ công nghiệp. Tổng số hộ thành viên tham gia HTX chiếm gần 53% hộ sản xuất nông nghiệp, chiếm 66% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Về đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đã mở hàng trăm lớp với trên 5 ngàn học viên được đào tạo cả nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Qua công tác đào tạo nghề đã mang lại hiệu quả đáng kể, có trên 70% người học nghề có được việc làm ổn định, nâng cao kiến thức tay nghề trong sản xuất – chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững.

Các mô hình sản xuất tiên tiến góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

Các mô hình sản xuất tiên tiến góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

Các mô hình sản xuất tiên tiến, các hình thức tổ chức phù hợp, công tác đào tạo, giải quyết việc làm kịp thời đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đến nay có 10/10 xã đạt tiêu chí thu nhập và 10/10 xã đạt tiêu chí hộ nghèo. Từ đó, chất lượng cuộc sống được đổi mới và nâng lên, phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 56 triệu đồng/năm.

 

Dự kiến giai đoạn 2021-2025, huyện Tân Hiệp huy động khoảng 330 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách nhà nước trực tiếp và vốn lồng ghép là 170 tỷ đồng, vốn huy động từ các nguồn khác 10 tỷ đồng, vận động nguồn lực trong dân 150 tỷ đồng.

Giai đoạn 2025-2030, tiếp tục giữ vững các tiêu chí đã hoàn thành, thực hiện tốt các tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu. Chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được đổi mới và nâng lên, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người năm 2030 gấp 3,5 lần năm 2020. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới (giảm nghèo đa chiều) xuống còn dưới 1%.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm