Thị trường

Thực phẩm Việt lên kệ siêu thị châu Âu

Từ tuần này, siêu thị dành 2m2 kệ hàng cho thực phẩm Việt Nam, do một công ty xuất nhập khẩu từ Hà Lan cung cấp.

Giá vàng trong nước tiếp tục ổn định ở mức 89 triệu đồng/lượng / FPT Retail được vinh danh top 10 công ty bán lẻ uy tín

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nông sản và thực phẩm chế biến từ Việt Nam vẫn tiếp tục xâm nhập thị trường châu Âu theo nhiều cách khác nhau, nhờ vào sự năng động của các doanh nghiệp và nhờ nỗ lực kết nối của các Thương vụ Việt Nam tại châu Âu. Mọi kênh tiêu thụ đều được các doanh nghiệp nhập khẩu liên hệ chào hàng, bất kể đó là chuỗi phân phối lớn hay cửa hàng nhỏ lẻ.

Siêu thị Carrefour Ganshoren cũng mang biển hiệu chuỗi siêu thị bán lẻ nổi tiếng của Pháp, nhưng cửa hàng này là nhượng quyền thương hiệu. Tập đoàn mẹ cung cấp 70% hàng hoá trong siêu thị, 30% còn lại, chủ cửa hàng nhượng quyền tuỳ ý tìm nguồn, miễn là không trái với chính sách kinh doanh của cả chuỗi.

Ông Bernard Weiss - Chủ siêu thị Carrefour Ganshoren, Bỉ cho biết: "Vì những sản phẩm này, tập đoàn mẹ không cung cấp, cho nên chúng tôi có thể tự mua. Nhờ có Sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Bruxelles giới thiệu, tôi gặp ông Phạm và có đến thăm kho hàng của công ty ông ấy tại Hà Lan. Những sản phẩm này đã thuyết phục được tôi".

Từ tuần này, siêu thị dành 2m2 kệ hàng cho thực phẩm Việt Nam, do một công ty xuất nhập khẩu từ Hà Lan cung cấp.

 

Ông Phạm Văn Hiển - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu B.V., Hà Lan nhận định: "Khi chúng tôi làm trực tiếp với các chủ nhượng quyền, như hôm nay là chủ nhượng quyền Carrefour ở Bỉ, được lợi thế là người ta có thể chọn lựa những mặt hàng mong muốn. Bên cạnh đó, mình sẽ tư vấn những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như mì miến, bún phở, gạo ST25 chẳng hạn. Hoặc tương ớt, như ở Thái Lan trước xưa tới giờ ở thị trường Âu châu, tương ớt Thái Lan là tương ớt vẫn nổi tiếng nhất, nhưng bây giờ chúng tôi đã mang được hương vị tương ớt Việt Nam vào thị trường châu Âu".

Doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam đã tìm mọi cửa đưa thực phẩm Việt Nam đến người dùng châu Âu. Có nhiều kênh, tốt nhất là bán được số lượng lớn cho bộ phận thu mua của các chuỗi bán lẻ lớn tại châu Âu, như Carrefour, với 13.000 siêu thị rải trên nhiều quốc gia. Hoặc đàm phán với từng công ty chế biến thực phẩm, suất ăn công nghiệp, hoặc thuyết phục từng siêu thị, từng cửa hàng. Cánh cửa nhỏ đôi khi dẫn tới cánh cửa to.

Ông Bernard Weiss - Chủ siêu thị Carrefour Ganshoren, Bỉ nêu ý kiến: "Khó nhất là vào được siêu thị. Nhưng bây giờ hàng hoá đã ở đây, sớm muộn bộ phận thu mua của cả chuỗi siêu thị Carrefour sẽ nhận thấy và hỏi chúng tôi những mã hàng này từ đâu ra. Đó chính là cơ hội đưa những sản phẩm này vào toàn chuỗi Carrefour".

Trong các siêu thị châu Âu, chủng loại hàng hoá Việt ngày càng nhiều, nhờ doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam liên tục đưa ra sản phẩm mới chất lượng hơn và cũng nhờ những doanh nghiệp nhập khẩu kiên trì tìm đầu ra cho hàng hoá Việt Nam.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm