Thị trường

Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Cần phải bỏ bớt các điều kiện để DN tiếp cận nhanh nhất với các gói hỗ trợ

DNVN - Tại Diễn đàn Hợp tác – Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XIII năm 2020 tại tỉnh Hòa Bình, Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực VINASME cho rằng, cần phải mở rộng và bỏ bớt đi các điều kiện "rườm rà" để DN tiếp cận được với các gói hỗ trợ của Chính phủ một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Bàn giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 / Chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận gói vay vốn 0% để trả lương người lao động

Chiều 4/10/2020 tại TP. Hòa Bình đã diễn ra Diễn đàn Hợp tác – Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XIII năm 2020 tại tỉnh Hòa Bình (gọi tắt là Diễn đàn). Đây là Diễn đàn thường niên do Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Việt Nam(VINASME) chủ trì tổ chức trong 12 năm qua. Đây là năm thứ 13 diễn đàn được tổ chức kế thừa và phát triển những thành quả đạt được qua các Diễn đàn trước đây, nhằm tăng cường vai trò chỉ đạo của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Bên lề Diễn đàn, Doanh nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn Tiến sĩ Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về những hỗ trợ của Hiệp hội đối với cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ sau dịch bệnh Covid-19, cũng như những kỳ vọng của Hiệp hội đối với Diễn đàn lần này.

Với tư cách là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông có thể cho biết những kỳ vọng của mình về Diễn đàn lần này?

Tiến sĩ Tô Hoài Nam: Đây là lần thứ 13 Diễn đàn được tổ chức. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thể cập nhật đầy đủ nhất các thuận lợi và khó khăn của doanh nghiệp, trong đó chúng tôi quan tâm đến những khó khăn của doanh nghiệp nhiều hơn cả. Những khó khăn của doanh nghiệp thời điểm này sẽ bao gồm khó khăn mang tính trung hạn và dài hạn, bên cạnh đó còn có khó khăn từ những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Từ đó chỉ ra được những cơ hội mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng những nghị quyết của Diễn đàn, đưa ra những kiến nghị với Chính phủ, với các bộ, ban, ngành và các cơ quan chức năng để tìm cách tháo gỡ các khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Ông có nhắc đến những khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Vậy theo ông những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp thời điểm này là gì?

Thời gian vừa qua, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đang có một xu hướng diễn ra mạnh mẽ đó là chuyển đổi nguồn cung cấp nguyên liệu từ một nơi sang nhiều nơi nhằm đảm bảo an toàn hơn trong chuỗi cung ứng nguyên liệu đảm bảo về sản xuất. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động này của các doanh nghiệp lại gặp phải rất nhiều những khó khăn về mọi mặt như: khó khăn về quy định giãn cách xã hội của Việt Nam, khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn nguyên liệu mới, thiết kế lại các nguồn nguyên liệu, các vấn đề liên quan đến các thủ tục xuất nhập khẩu, khả năng cung cấp số lượng, quy mô, chất lượng nguồn nguyên liệu.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, hậu Covid-19 các doanh nghiệp này có xu thế tính toán cơ cấu lại sản phẩm của mình. Thay vì việc cung cấp rất nhiều các sản phẩm như trước đây, giai đoạn hiện tại họ chỉ tập trung vào một vài sản phẩm chủ lục, bỏ bớt đi những sản phẩm không có tính cạnh tranh. Chính điều này tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn nguyên liệu mới, thay đổi lại cách tiếp cận với thị trường…

Việc thói quen của người tiêu dùng thay đổi trong thời gian dịch bênh Covid-19 bùng phát, nhưng việc tiếp cận các kênh bán hàng online, các kênh thương mại điện tử, giao dịch trên các hệ thống online còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp nhỏ. Đây cũng chính là một thách thức rất lớn.

Bên cạnh đó là những khó khăn về phía thị trường, về chính sách hỗ trợ, chính sách thuế, khả năng tiếp cận với các quỹ tín dụng… là những thách thức luôn luôn thường trực với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua.

Vậy Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có những hỗ trợ như thế nào với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua thưa ông?

Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 diễn ra là một tình huống khó chưa từng có trong tiền lệ. Mục đích của Hiệp hội là hỗ trợ những cái mà doanh nghiệp cần, căn cứ từ những khó khăn thực tế của cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở đó thiết kế những chương trình hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Theo đó, chúng tôi chọn những hoạt động mà doanh nghiệp nhỏ cần trước đó là tìm cách giúp họ có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc thị trường cụ thể như: chuyển đổi sang bán hàng online, chọn cách thức quản lý mới trong điều kiện giãn cách xã hội, hướng dẫn các chương trình, gửi các bản lập trình, các hệ thống quản lý, đơn giản hóa bớt để phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó Hiệp hội cũng xác định sẽ tham gia xây dựng và phản biện các chính sách, tham gia tích cực xây dựng các gói chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên tôi cũng lấy làm tiếc khi thời gian qua Chính phủ đã có những chính sách rất tốt đối với các đối tượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng khi bước vào thực hiện thì không đạt được kỳ vọng như ban đầu. Với những ý kiến phản biện từ phía Hiệp hội đưa ra chúng tôi tự tin hơn về chuyên môn trong chức năng nhiệm vụ của mình.

Ông vừa nói đến về các chính sách và các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Những mong muốn, kiến nghị của ông là gì?

Trước tiên, muốn hỗ trợ đúng thì cần phải biết được sự thay đổi của doanh nghiệp đang diễn ra như thế nào. Tiếp theo, tôi thấy rằng cần phải mở rộng và bỏ bớt đi các điều kiện đối với các doanh nghiệp. Ví dụ như các chính sách liên quan đến xã hội, công đoàn, bảo hiểm, chính sách giãn thuế, nợ thuế… cần phải bỏ bớt đi để các doanh nghiệp có thể tiếp cận những gói hỗ trợ một cách nhanh nhất.

Bên cạnh đó, quan điểm của chúng tôi là doanh nghiệp có sứ mệnh làm ra của cải cho xã hội. Vì vậy nếu như vẫn tiếp tục xây dựng các chính sách theo hình thức cũ là hỗ trợ trực tiếp thì sẽ tốn rất nhiều nguồn lực mà ở Việt Nam nguồn lực không đủ để đáp ứng. Vì vậy tôi cho rằng, thay vì hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thì nên hỗ trợ rộng hơn, như hỗ trợ một chuỗi thì tính lan tỏa sẽ rộng hơn, nguồn lực sẽ phù hợp với Việt Nam hơn.

Thưa ông, được biết chủ đề của Diễn đàn lần này là “hợp tác – liên kết và phát triển doanh nghiệp”. Vậy tại Diễn đàn thì các doanh nghiệp sẽ liên kết và hợp tác như thế nào thưa ông?

Đặt trong mối liên kết rộng thì 28 Hiệp hội doanh nghiệp phía Bắc sẽ thống nhất hợp tác trên chương trình hành động chung trong thời gian ngắn hạn mỗi năm một lần. Ví dụ phải đưa ra được những phương án hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào; các Hiệp hội doanh nghiệp giới thiệu các thành viên doanh nghiệp của mình với nhau để hợp tác kinh doanh ...

Bên cạnh đó cùng nhau hợp tác, nhận định ra nút thắt về chính sách và cùng nhau ký vào một nghị quyết, chính sách đề xuất với chính phủ nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cụ thể hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, tao tiếng nói mạnh hơn thay vì lấy ý kiến để kiến nghị.

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo