Bàn giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19
Các HTX được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 / Vingroup là doanh nghiệp tư nhân được yêu thích nhất Việt Nam
Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XIII năm 2020 đã chính thức khai mạc vào chiều ngày 4/10/2020 tại tỉnh Hòa Bình.
Chiều 4/10/2020 tại TP Hòa Bình đã chính thức khai mạc Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XIII năm 2020 tại tỉnh Hòa Bình (sau đây gọi tắt là Diễn đàn).Đây là Diễn đàn thường niên do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chủ trì tổ chức trong 12 năm qua. Năm nay là năm thứ 13 Diễn đàn được tổ chức kế thừa và phát triển những thành quả đạt được qua các Diễn đàn trước đây, nhằm tăng cường vai trò chỉ đạo của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) phát triển.
Diễn đàn cũng là dịp để các doanh nghiệp thảo luận về những khó khăn, rào cản trong việc đưa Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào cuộc sống. Kịp thời đưa ra các kiến nghị để sớm giải quyết những vướng mắc của doanh nghiệp trong sản xuất – kinh doanh; tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm kiếm thị trường trong nước, phát huy tiềm năng, lợi thế, kết nối cung cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo mối liên kết giữa các tập đoàn kinh tế lớn với các SMES. Từ đó, mang lại cơ hội cho các SMEs tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xúc tiến đầu tư để phát triển kinh tế địa phương.
Diễn đàn thu hút hơn 500 đại biểu là đại diện cho các doanh nghiệp thuộc 28 tỉnh phía Bắc tham dự.
Năm 2020 là một năm mà nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế hướng ngoại; Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt 518 tỷ, xấp xỉ bằng 2 lần GDP của cả nước. Đại dịch COVID-19 làm các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc đều giảm sức mua tới 50%. Theo báo cáo của đoàn công tác khảo sát của Chính phủ về ảnh hưởng của COVID-19 thì có tới 96% số doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng. Tuy nhiên chịu ảnh hưởng lớn nhất là các ngành vận tải, hàng không, du lịch và các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.
Đại dịch Covid-19 cũng khiến các SMEs và các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nền. Nhiều doanh nghiệp do thiếu việc đã và đang có kế hoạch giảm bớt lao động hoặc đóng cửa nhà máy. Một số doanh nghiệp thì giảm giờ, giảm ngày làm việc và cho người lao động nghỉ luân phiên. Nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải đóng cửa do sức mua giảm, kinh doanh không có lợi nhuận.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, nước ta đã ghi nhận hơn 70.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và đóng cửa, trong đó chủ yếu là SMEs và hộ kinh doanh cá thể, ảnh hưởng tới hơn 31 triệu người lao động. Đây là những thách thức rất lớn đối với Việt Nam và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Phát biểu tại Diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: “Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động với mục tiêu, vừa đảm bảo không lây lan dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế đất nước bằng biện pháp khoanh vùng, giãn cách có trọng tâm, trọng điểm. Biện pháp này đã giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đảm bảo đời sống và sức khỏe của nhân dân. Đây chính là minh chứng của sự vào cuộc quyết liệt, đầy sáng tạo của toàn hệ thống Chính trị và sự đồng lòng, chung tay của toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước đã đẩy lùi dịch bệnh để ổn định, phát triển kinh tế thời gian qua”.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân.
Chủ tịch Nguyễn Văn Thân cũng nhấn mạnh: “Bằng tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của mình, các đại biểu tham dự Diễn đàn lần này, sẽ tập trung phát biểu tham luận, đóng góp ý kiến thiết thực, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất thật sát với lĩnh vực hoạt động của mình và chủ đề Diễn đàn để đưa vào Nghị quyết Diễn đàn trên tinh thần đồng lòng xây dựng và phát triển. Trong đó có các kiến nghị, đề xuất giải pháp, đề đạt nguyện vọng của đại biểu tham dự Diễn đàn sẽ được Trung ương Hội tổng hợp và báo cáo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và một số Bộ - ngành liên quan có thêm cơ sở hoạch định Chính sách, định hướng hoạt động và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng về hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch gây ra”.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh, doanh nghiệp rất quan trọng, đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, đất nước muốn phát triển phải dựa vào doanh nghiệp. Hiện nay các cơ chế chính sách, chủ trương đường lối để phát triển kinh tế cơ bản đã đủ. Trong đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp, do đó cần phải bàn giải pháp làm thế nào để vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay, cầm cự được trong đại dịch, phục hồi sau dịch, chuẩn bị các tâm thế phục hồi một cách nhanh nhất.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Thành Biên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình cũng đưa ra đề xuất, doanh nghiệp các tỉnh khác nghiên cứu tiềm năng lợi thế sẵn có của tỉnh Hoà Bình, hợp tác, đầu tư, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Biên mong muốn tại Diễn đàn này các đại biểu, các tổ chức Hiệp hội, các Hội, các nhà quản lý hiến kế trình Chính phủ, đưa ra những giải pháp chiến lược để giải cứu các doanh nghiệp, trong lúc hàng triệu người lao động đang có nguy cơ mất việc làm, hàng ngàn doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản. Kinh tế thế giới chìm sâu trong khủng hoảng.
“Con đường duy nhất Chính phủ cứu trợ doanh nghiệp lúc này là các gói hỗ trợ đủ mạnh, đủ thời gian phục hồi, chính quyền các cấp tạo môi trường, hành lang pháp lý ưu việt nhất cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển, hiện tại, những gói hỗ trợ vẫn còn xa tầm với của người lao động gặp khó khăn, những khoản giãn nợ hay giãn thuế thu nhập doanh nghiệp vẫn chưa đến được với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Thực tế các gói hỗ trợ trên nên ưu tiên giúp các doanh nghiệp thực sự khó khăn, sắp giải thể hoặc phá sản, hoàn cảnh những doanh nghiệp này phải ngừng sản xuất hoặc thu hẹp sản xuất, doanh thu thấp đồng nghĩa không có lãi thì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không tác dụng. Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ mới khởi nghiệp không tiếp cận được với vốn vay ngân hàng nên giãn nợ cũng không tác dụng. Chưa kể các doanh nghiệp phải huy động mọi nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ cho người lao động, nhằm giữ chân người lao động thì lại rơi vào diện doanh nghiệp vẫn còn khả năng chi trả nên không được vay gói tín dụng không lãi xuất của Ngân hàng chính sách xã hội”, ông Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thành Biên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hòa Bình.
Tại Diễn đàn năm nay, các đại biểu sẽ được nghe các chuyên gia, các nhà kinh tế trình bày về các chủ đề như: Thực trạng tổ chức, hoạt động của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đặt ra một số vấn đề chính sách pháp luật mở đường cho các Hiệp hội doanh nghiệp phát triển. Hay chủ đề như Cải cách quy định hành chính, xây dựng chính phủ điện tử tại Việt Nam: Kết quả đạt được, phương hướng và giải pháp; Thúc đẩy Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào cuộc sống.
Diễn đàn cũng thảo luận về các vấn đề như: Vai trò của Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trách nhiệm của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với các doanh nghiệp trong việc tăng cường liên kết, chiến thắng Covid-19, hoàn thành mục tiêu kép để phát triển.
Đặc biệt, Diễn đàn cũng dành nhiều thời gian để chia sẻ về việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tìm kiếm đầu ra cho hàng hóa xuất nhập khẩu nhờ mạng Internet, để có thể xuất khẩu hàng hóa vượt qua đại dịch Covid-19. Các giải pháp chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo