Thị trường

Tiêu dùng trong tuần (từ 25/4-1/5/2022): Trái cây rớt giá thê thảm, hải sản tăng cao kỷ lục

Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, xoài, thanh long, dưa hấu... đồng loạt giảm. Trong khi giá nhiều loại hải sản, mận hậu Mộc Châu, Vải u hồng tăng cao.

FPT Retail báo lãi trước thuế gấp 5,3 lần cùng kỳ năm ngoái / Chợ cá Việt giúp nông dân xây dựng thương hiệu

Tiêu dùng trong tuần (từ 25/4-1/5/2022): Trái cây rớt giá thê thảm, hải sản tăng cao kỷ lục

Giá vàng, xoài, thanh long, dưa hấu... đồng loạt giảm;giá nhiều loạt hải sản, mận hậu Mộc Châu, Vải u hồng tăng cao. Ảnh minh họa

Giá vàng giảm mạnh

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.896 USD/ounce, tăng 3 so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua. Tuy nhiên, giá vàng thế giới giảm mạnh 34 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.

Tuần qua, giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay, neo quanh đáy 2 tháng, trong bối cảnh giá USD vẫn gia tăng và đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2017.

USD đã được nhiều nhà đầu tư chọn làm nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh biến động kinh tế và chính trị thế giới khiến họ lo lắng. Nhất là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 3 - 4/5, sắp tới, khiến giá USD đi lên và làm khó thị trường vàng.

Chỉ số USD đã lên mức cao nhất 5 năm và có thời điểm lên tới 103,82 - mốc chưa từng thấy kể từ cuối 2002. USD mạnh khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác, có lúc chỉ số USD đã lên 103,382 điểm.

 

Khả năng Mỹ nâng lãi suất thêm nữa làm tăng thêm sức hấp dẫn tương đối của USD so với tài sản thực tế như vàng không có lợi suất. Khi đó, cần ít USD hơn để mua một ounce vàng, làm giảm giá trị của kim loại màu.

Ngoài ra, mức độ biến động của một số ngoại tệ mạnh đang tác động nhất định đến giá vàng. Cụ thể, đồng Yen giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tuyên bố thu mua trái phiếu với số lượng không giới hạn, đồng nghĩa tiền mặt tại Nhật Bản sẽ tràn ngập thị trường.

Điều này khiến giá trị USD tăng giá hơn nữa so với đồng Yen. Trong khi đó, đồng euro giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua và gần như ngang bằng với giá trị của USD (hiện tại 1 euro đổi được 1,04 USD).

Dưới sức ép của USD, giá vàng thế giới có lúc từ 1.885 USD/ounce giảm xuống 1.872 USD/ounce.

Đáng chú ý, trong lúc vàng giảm xuống đáy nhiều tuần, các quỹ đầu tư trên thế giới đã mua thêm 185 tấn vàng, trị giá khoảng 15 tỷ USD trong tháng 3. Đây là mức mua theo tháng cao nhất kể từ tháng 7/2020. Bởi thế, dù đã nhận thấy có sự dịch chuyển dòng tiền sang USD khiến vàng gặp khó khăn để phục hồi nhưng các nhà phân tích vẫn nhận thấy sự hỗ trợ vững chắc cho kim loại quý trong suốt thời gian còn lại của năm.

 

Trong một báo cáo được công bố đầu tuần này, Marc Desormeaux, nhà kinh tế cấp cao tại Scotiabank, cho biết, mặc dù giá vàng gần đây giảm hơn 5% so với mức 2.000 USD/ounce, ông vẫn đang tăng dự báo lạc quan về kim loại quý này. Tuy nhiên ông cũng cho rằng, vàng có thể gặp khó khăn đối chút trong tuần tới trước quyết định chính sách tiền tệ của Fed.

Cuối cùng, vàng vẫn được hỗ trợ bởi một yếu tố như: chiến tranh ở Ukraine, kinh tế Trung Quốc giảm tốc, lạm phát nóng và thị trường chứng khoán thế giới biến động.

Bởi vậy, nhiều ý kiến đã đưa ra dự đoán, giá vàng sẽ giằng co trong tuần tới và dù có thể giảm nhưng sẽ không có sự lao dốc đáng ngại.

Giá hải sản đồng loạt tăng vọt dịp lễ 30/4-1/5

Theo khảo sát, mặt hàng được nhiều người chọn mua dịp 30/4 là hải sản. Vì thế, giá cả mặt hàng này ở hầu hết các chợ ở TP. Hà Nội đều đang tăng rất cao.

 

Ghi nhận tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), giá cua biển từ mức 350.000 - 400.000 đồng lên 580.000 - 600.000 đồng/kg; Bạch tuộc từ 150.000 - 170.000 đồng lên mức 220.000 - 250.000 đồng/kg.

Các loại hải sản có mức tăng cao nhất là mực ống, từ mức 150.000 - 170.000 đồng/kg loại 8-10 con/kg lên 270.000 - 280.000 đồng/kg, tương đương với mức tăng 65-80%; Ốc hương từ mức 300.000 - 350.000 đồng/kg lên 660.000 - 700.000 đồng/kg; Tôm sú tăng lên 330.000 đồng/kg từ mức giá 180.000 - 200.000 đồng/kg/30 con, tôm sú loại to khoảng 550.000 - 600.000 đồng/kg/15-20 con,… tương ứng mức tăng từ 100-200%.

Tương tự, tại các chợ Phùng Khoang, Thành Công, Mỹ Đình cũng ghi nhận mức giá tăng cao. Trung bình, cua biển có giá 540.000 - 570.000 đồng/kg; Tôm sú 530.000 - 600.000 đồng/kg tùy loại; Sò lụa 130.000 đồng/kg; Tôm hùm 850.000 -1.200.000 đồng/kg (trung bình 4gram/con-250gram/con)…

Các tiểu thương cho biết, đây là mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay.

Theo ông Trường, một mối buôn hải sản ở chợ Long Biên cho biết, giá tăng cao do sức mua tăng mạnh dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, giá cũng nhảy múa hàng ngày.

 

“Trong dịp này, giá ở thành phố tăng cao là do nguồn mua ở những vùng biển tăng mạnh. Phần lớn nếu không chuẩn bị được hàng sớm sẽ không có hàng bán”, ông Trường nói và cho biết, đa phần nguồn hàng lấy mới ở thời điểm này đều tăng hàng ngày, thậm chí trả giá cao cũng không có hàng.

Chị Dung, chủ thuyền ở Nghệ An cho biết thêm, lượng hàng mua tăng mạnh cả tháng qua. Nhà hàng, khách sạn đều tăng mua dự trữ để phục vụ dịp lễ.

Hơn nữa, giá dầu tăng tới 60% nên giá hải sản đánh bắt cũng đã tăng cao so với mọi năm do giá dầu chiếm tới 50% chi phí đánh bắt.

“Lượng hải sản không nhiều do biển động nên chúng tôi chỉ đủ cung cấp cho các mối lớn”, chị Dung nói và cho biết, năm nay sản lượng tiêu thụ hải sản tăng hơn 500% so với vài năm qua. Do đó, việc giá tăng kỷ lục cũng là điều dễ hiểu.

Nhiều loạt trái cây rớt giá thê thảm, mận hậu Mộc Châu liên tục “cháy hàng”

 

Do khó khăn trong việc xuất khẩu sang Trung Quốc nên gần đây, nhiều loại trái cây dội chợ với giá vô cùng rẻ. Giá các loại xoài Đài Loan, xoài Úc, xoài keo hay dưa hấu, thanh long ruột đỏ… đều chưa đến 10.000 đồng/kg. Một số loại trái cây vốn có giá đắt đỏ như xoài Cát Chu, xoài cát Hoà Lộc cũng rớt giá xuống 15.000 - 30.000 đồng/kg tuỳ loại.

Đặc biệt, roi đỏ An Phước - đặc sản nổi tiếng ở miền Tây, thường được rao bán với mức giá từ 70.000 - 110.000 đồng/kg nay giảm còn 20.000 đồng/kg, mức giá rẻ chưa từng có.

Tuy nhiên, những ngày này, mận hậu Mộc Châu (Sơn La) giá đắt khét. Mận hậu loại thường hiện có giá từ 75.000 - 100.000 đồng/kg, mận hậu size 20-30 quả/kg giá lên tới 165.000 - 200.000 đồng/kg, mận hậu vip có thời điểm giá còn vọt lên 250.000 đồng/kg. Với mức giá này, mận hậu Sơn La trở thành một trong những loại trái cây nội địa có giá đắt đỏ nhất trên thị trường. Đáng nói, mận dù vẫn còn chua và chát, chưa ngọt như chính vụ nhưng loại vip size 20-30 quả/kg vẫn liên tục “cháy hàng”.

Tương tự, vải chín sớm (hay còn gọi là vải u hồng) được bán nhiều trên chợ mạng, chợ truyền thống khu vực phía Nam và các vùng Đắk Lắk, Đắk Nông... Năm nay, giá vải tăng cao, thậm chí tăng gấp đôi gấp ba so với năm ngoái. Tại TP Hồ Chí Minh, vải chín sớm có giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm