Tiêu dùng

Vietstock 2023 là cầu nối giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế

DNVN – Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trong buổi Lễ khai mạc Triển lãm Vietstock & Aquaculture Việt Nam 2023, diễn ra tại TP Hồ Chí Minh ngày 11/10.

OPPO Reno10 5G 256GB chính thức mở bán / FPT Shop tung loạt ưu đãi lớn khi mua laptop trong mùa Back to school 2023

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2023 là năm thứ 19 trong hành trình tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

“Chúng tôi rất vui mừng chào đón hơn 340 công ty tham gia triển lãm đến từ 28 quốc gia. Vietstock 2023 dự kiến sẽ thu hút hơn 11.000 khách tham quan từ ngành chăn nuôi, thủy sản tại Việt Nam và các nước lân cận như Campuchia, Thái Lan, Lào”, ông Tiến nói.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, phát biểu khai mạc triển lãm Vietstock.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phát biểu khai mạc triển lãmVietstock & Aquaculture Việt Nam 2023.

Cũng theo ông Tiến, từ năm 2004 đến nay, Bộ NN&PTNT luôn ủng hộ và đồng hành cùng ban tổ chức triển lãm chăn nuôi Vietstock của công ty Informa Markets. Không chỉ Việt Nam mà quốc tế đều ghi nhận những đóng góp quan trọng trong sự kết nối, hợp tác thúc đẩy khả năng hội nhập, phát triển ngành chăn nuôi trong nước và khu vực.

Với diện tích đất khiêm tốn (đứng thứ 66 và dân số đứng thứ 15 thế giới) nhưng ngành chăn nuôi Việt Nam được thế giới biết đến về năng lực sản xuất: Tổng đàn lợn 29,1 triệu con (đứng thứ 5 thế giới về tổng đàn, đứng thứ 6 về sản lượng thịt), thủy cầm đứng thứ 2 thế giới (100,3 triệu con)…

“Bên cạnh đó, Việt Nam là nước xuất khẩu mật ong lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ. Nhiều năm qua, chăn nuôi luôn đóng vai trò quan trọng trong duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Trong 10 năm qua, tăng trưởng ngành chăn nuôi duy trì tốc độ 5-7%/năm, sản lượng thịt các loại tăng 1,8 lần.

Việc này tạo sinh kế cho hơn 10 triệu lao động tại nông thôn, bảo đảm cung cấp nguồn thực phẩm cho 100 triệu dân cùng hàng triệu khách du lịch và bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt 369 triệu USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2022”, Thứ trưởng Tiến cho biết.

 

Tuy nhiên, theo thứ trưởng, ngành chăn nuôi Việt Nam cũng như thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các vấn đề như dịch bệnh, biến động thị trường nguyên liệu, môi trường chăn nuôi, biến đổi khí hậu, tình trạng kháng thuốc kháng sinh… đã và đang đặt ra những yêu cầu cấp bách cho ngành chăn nuôi cần phải giải quyết.

“Tôi cho rằng, triển lãm Vietstock 2023 không chỉ đem lại cơ hội để trưng bày và giới thiệu các sản phẩm, công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chăn nuôi, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và chuyên gia trong ngành có thể giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm thông qua các hội thảo”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo ông Tiến, các nội dung ưu tiên mà ngành chăn nuôi cần hướng tới bao gồm: Phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh để giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Công nghệ chăn nuôi chính xác, hiện đại gắn với chuyển đổi số để giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Phát triển mô hình liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm trong sản xuất và cung ứng sản phẩm chăn nuôi.

Công nghệ giết mổ, bảo quản và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi. Các công nghệ, giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, giải pháp thay thế kháng sinh nhằm giảm thiểu hiện tượng kháng kháng sinh. Khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên liệu và vật tư đầu vào có lợi thế cạnh tranh phục vụ cho ngành chăn nuôi Việt Nam.
Trần Mạnh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm