Thị trường

Tiêu thụ thanh long gặp khó: Bộ Công Thương đề xuất một loạt giải pháp tháo gỡ

DNVN - Trong bối cảnh tiêu thụ thanh long gặp khó do phía Trung Quốc siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND các tỉnh vùng trồng thanh long phối hợp triển khai một loạt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ thanh long.

Xuất khẩu nông sản sang EU, Mỹ, Trung Quốc: Chuyên gia "bắt bệnh" những hạn chế của doanh nghiệp Việt / Đầu tư nước ngoài yên tâm đổ vào Việt Nam

Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh vùng trồng và sản xuất nông, thủy sản rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm. Tăng cường quản lý chặt chẽ để đảm bảo quy trình sản xuất an toàn theo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 từ khâu trồng, thu mua, bao gói, phân loại tới khâu vận chuyển để xuất khẩu.
Hướng dẫn UBND các tỉnh rà soát tình hình sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng trái cây, để có định hướng điều tiết sản lượng thu hoạch, trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khả năng còn diễn biến phức tạp, tiêu thụ qua biên giới có thể còn gặp khó khăn.

Tiêu thụ thanh long đang gặp khó. (Ảnh: NLĐ)
Chỉ đạo các doanh nghiệp chế biến rau quả tăng cường thu mua lượng thanh long tươi hiện đang tồn đọng tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang,… để chế biến thành sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Công Thương, Hiệp hội, doanh nghiệp (DN) tăng cường triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ trong nước đối với quả thanh long nói riêng và các mặt hàng trái cây khác đang vào vụ thu hoạch nói chung.
Đối với UBND các tỉnh vùng trồng, Bộ Công Thương đề nghị thông tin tới các thương nhân, DN xuất khẩu trên địa bàn về việc phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long. Tạm dừng đưa hàng lên biên giới để tránh phát sinh thêm thiệt hại.
Hướng dẫn các nhà vườn, hợp tác xã và DN điều chỉnh kế hoạch sản xuất và điều tiết tiến độ thu hoạch phù hợp cho tới khi hoạt động thông quan tại biên giới trở lại bình thường.
Chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, Ngành có liên quan xây dựng phương án tiêu thụ đối với sản lượng thanh long trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kết nối cung cầu, vận động hệ thống phân phối, tập đoàn bán lẻ, siêu thị đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ thanh long trong chuỗi cung ứng. Chú trọng giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai hướng dẫn các nhà vườn, thương lái, ND thực hiện quy trình đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động sản xuất, đóng gói và vận chuyển nông sản.
Chỉ đạo, khuyến khích các DN có kho lạnh trên địa bàn cho thương lái, DN xuất khẩu gửi tạm trữ thanh long chờ tiêu thụ; có cơ chế hỗ trợ các DN để tăng thu mua thanh long cho nhà vườn.
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, ông Nguyễn Quốc Trịnh cho biết, địa phương có gần 300 container thanh long ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, sản lượng thanh long từ nay đến Tết dự kiến còn khoảng 20.000 tấn. Việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu thanh long trong 4 tuần là sự cố không mong muốn. Theo đó, hai bên nên đối thoại, thỏa thuận với nhau để có phương án tốt nhất, cùng chia sẻ với nhau.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm