Thị trường

Phục hồi thị trường lao động, cần giải pháp cấp bách và lâu dài

Tính đến hết quý III/2021, cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm do dịch COVID-19; tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý III lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Ngân hàng siết cho vay đầu tư bất động sản, chứng khoán / Nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động để thu hút dòng vốn

Năm 2021, thị trường lao động phải đối mặt với những tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19. Điều này thể hiện rất rõ khi số người có việc làm giảm sâu, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, thu nhập bình quân tháng của người lao động sụt giảm nghiêm trọng.

Tính đến hết quý III/2021, cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm; tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi ở quý III lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Vậy đâu là giải pháp cấp bách và lâu dài để phục hồi và ổn định thị trường lao động trong năm 2022.

Ảnh minh họa: KT
Ảnh minh họa: KT

Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tạo ra cuộc hồi hương lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, với 1,3 triệu lao động từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam di chuyển tự phát về các địa phương để tránh dịch. Theo đánh giá của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam như bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương, gây ra thiếu lao động cho sản xuất - kinh doanh. Sự khác nhau về các giải pháp phòng chống dịch tại các địa phương cũng khiến việc đi lại giao lưu giữ các vùng trở nên khó khăn hơn, gia tăng sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, gây ra áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động. Từ thực tế này, dự báo tỷ lệ lao động khu vực chính thức sẽ giảm và lao động khu vực phi chính thức sẽ tăng lên.

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phân tích: "Trước khi chưa có đại dịch COVID-19 thì trong những năm vừa rồi, số lượng tuyệt đối cũng như tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức có xu hướng giảm. Thế nhưng, qua thông báo, các điều tra vừa rồi thì năm 2020, 2021 xảy ra tình trạng ngược lại.

Đây là tình trạng phi chính thức hóa việc làm, mà điều đặc biệt là không như mọi năm sự phi chính thức hóa việc làm này là do cung - cầu lao động, nhưng nay là do tâm lý, nhất là do rất nhiều doanh nghiệp-tức là khu vực chính thức đã không bảo đảm việc làm cho người lao động. Chính vì vậy, vì sinh kế, người ta chủ động chuyển sang khu vực phi chính thức để làm việc nhằm bảo đảm thu nhập cuộc sống".

Trước những tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tránh đứt gãy và phục hồi thị trường lao động. Để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp cũng chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và xây dựng nhiều chế độ ưu đãi đến vấn đề an sinh, phúc lợi nhằm tạo thuận lợi để người lao động yên tâm quay trở lại làm việc. Đến thời điểm này, tình hình lao động việc làm đang có những chuyển biến tích cực. Một số ngành nghề, lĩnh vực nhu cầu tuyển dụng lao động đã tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia lao động và nhà quản lý cho rằng: Nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn nếu có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đồng bộ và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động trong điều kiện trạng thái “bình thường mới”. Để vực dậy thị trường lao động bị đứt gãy, thời gian tới cần có thêm những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, trong các chính sách này cần duy trì sự hỗ trợ của cộng đồng, không chỉ từ nguồn lực Nhà nước. Về phía doanh nghiệp và người lao động cũng cần phải thay đổi để thích ứng, an toàn, hòa nhập trong môi trường “bình thường mới”.

 

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng: "Chúng ta nói đến sự tham gia của xã hội, nhưng tôi nghĩ cần có một "cái gậy" chỉ huy, để những hỗ trợ ấy mang tính dài hơi, bền vững hơn và cuối cùng toàn bộ việc cải cách lại, thay đổi lại, thiết kế lại hệ thống chính sách để nắm được người lao động, kết nối được người lao động.Trước mắt là bố trí họ nhanh chóng tái hòa nhập vào thị trường lao động sớm nhất có thể. Thứ 2, khái niệm về phục hồi thị trường lao động chính là tạo việc làm".

Theo thông tin mới nhất, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhất là làn sóng dịch thứ 4 năm 2021 bùng phát đã khiến 1,3 triệu lao động tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam tự phát di chuyển về quê để tránh dịch đã gây nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ giữa các vùng, các địa phương, gây ra thiếu lao động cho sản xuất - kinh doanh.

Theo ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trong nhiều năm, kể cả khi không có dịch thì các tháng giáp Tết Nguyên đán thường trùng với thời điểm sức tiêu thụ hàng hóa Tết cũng như các dịp lễ lớn của các nước nên việc tiêu thụ sản phẩm tăng, khiến xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động cả trước và sau Tết Nguyên đán. Tình trạng này hiện trầm trọng hơn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều lao động đã chuyển về quê và chưa sẵn sàng quay lại làm việc.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm