Tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi
Nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện toàn quốc lập kỷ lục mới / Ngân hàng cần công khai thủ tục vay vốn trên website chính thức
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi Phạm Bình Minh chủ trì cuộc họp. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên của Ban Chỉ đạo và đại diện 6 nhà tài trợ gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Hiện nay, tại nước ta, nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi do 6 Ngân hàng phát triển tài trợ đã giảm nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng. Năm 2018, tổng số vốn cam kết của 6 ngân hàng là gần 29 tỷ USD, tuy nhiên, vốn cam kết chưa giải ngân của nguồn vốn ODA từ 6 Ngân hàng phát triển hiện vẫn còn ở mức gần 17 USD, bằng 7% GDP của Việt Nam.
Toàn cảnh cuộc họp (Ảnh: Báo Chính phủ) |
Mặc dù 6 Ngân hàng phát triển đã đạt được những kết quả tích cực trong danh mục đầu tư tại Việt Nam nhưng hiệu quả của các dự án đã giảm rất nhiều kể từ giai đoạn 2014-2015. Tỷ lệ giải ngân đã giảm từ mức 23,1% trong năm 2014 xuống chỉ còn 11,2% trong năm 2018. Tiến độ và giải ngân chậm đã dẫn đến trì hoãn hoặc thậm chí không đạt được các kết quả phát triển, làm tăng chi phí dự án, giảm hiệu quả đầu tư, giảm tác động đến tăng trưởng GDP.
Khảo sát của Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á tại 81 Ban quản lý dự án vào quý 1 năm nay cho thấy, có 5 vấn đề lớn ảnh hưởng đến dự án đó là thủ tục phê duyệt, chấp thuận của Chính phủ, phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn bị thiếu, vấn đề liên quan đến đấu thầu, thu hồi đất và tái định cư, các rủi ro khác liên quan đến khía cạnh xã hội của những bên bị ảnh hưởng và vấn đề liên quan đến quá trình giải ngân, rút vốn. Trong khi đó, có 4 vấn đề lớn ảnh hưởng đến giải ngân như: quy định của Chính phủ về quản lý vốn ODA không thống nhất và thường xuyên thay đổi, chậm phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn cho dự án, phân bổ vốn hàng năm không đáp ứng nhu cầu...
Để tháo gỡ những khó khăn, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác phát triển, đặc biệt, các nhà tài trợ Nhóm 6 Ngân hàng phát triển trong quá trình hoạch định chính sách, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi Phạm Bình Minh nêu rõ: Việt Nam đang trong quá trình xây dựng 5 năm phát triển kinh tế xã hội 2021-2025, một trong những nội dung đặt ra là phải xác định nguồn lực cho giai đoạn 5 năm tiếp theo, đối với nguồn vốn nước ngoài, Chính phủ chủ trương tiếp tục sử dụng và huy động nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ đầu tư phát triển, tuy nhiên, Việt Nam đã tốt nghiệp nguồn vốn IDA của Ngân hàng Thế giới và nguồn vốn ADF của Ngân hàng Phát triển châu Á, nguồn vốn ODA của các đối tác khác đang giảm đáng kể thay vào đó là vốn vay ưu đãi.
“Chúng tôi mong nhận được sự phối hợp hiệu quả của cộng đồng các đối tác phát triển, trong đó có nhóm 6 ngân hàng phát triển với các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam trong quá trình xây dựng kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có việc xác định nhu cầu, lập kế hoạch và bố trí nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi để tránh những bất cập trong việc bố trí kế hoạch nước ngoài như trong thời gian qua”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo