Trái cây đặc sản miền Bắc đẩy mạnh 'Nam tiến' cuối năm
Thanh Hoá: Anh nông dân thu 5 tỷ đồng mỗi năm nhờ 3.000 gốc bưởi Diễn / Gần 30 tỷ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam năm 2020
Cam Cao Phong, một loại trái cây đặc sản miền Bắc "Nam tiến" với mức giá khá rẻ.
Các mặt hàng trái cây đặc sản miền Bắc như cam Canh, bưởi Diễn, quýt đường, sâm đất... thời gian gần đây xuất hiện tại nhiều chợ dân sinh ở TP.HCM, giá đồng loạt giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với giá bán cùng thời điểm năm ngoái.
Cam Cao Phong, bưởi Diễn... được ưa chuộng
Theo lý giải của nhiều tiểu thương, sản lượng bưởi Diễn năm nay tăng khoảng 30%, nhưng tiêu thụ qua đường xuất khẩu lại giảm. Vì vậy, các nhà vườn giảm gần 50% giá bán so với năm ngoái.Cụ thể, tại vườn, giá bưởi từ 15.000 - 17.000 đồng hiện chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/quả.
Không chỉ bưởi Diễn, cam Cao Phong cũng trong tình trạng “được mùa, rớt giá”. Chị Nguyễn Thị Thương, một thương lái cho biết, năm nay hầu hết các sản phẩm cam được coi là đặc sản miền Bắc như: cam Cao Phong, cam Hưng Yên… được mùa, trong khi thị trường chính xuất khẩu mặt hàng này là Trung Quốc đang giảm số lượng. Vì vậy, các thương lái phải đẩy mạnh tiêu thụ trong nước.
“Hiện, các mặt hàng trái cây được nhập về từ các tỉnh phía Bắc như cam, bưởi... đều có hàng cung cấp ổn định cho thị trường niềm Nam với mức giá giảm từ 20.000 đồng/kg so với năm ngoái”, chị Thương cho hay.
Chẳng hạn, giá cam canh đến tay người tiêu dùng hiện là 40.000 - 45.000 đồng/kg, cam Hưng Yên có giá 15.000 - 20.000 đồng/kg; sâm đất 30.000 - 40.000 đồng/kg; bưởi Diễn có giá 100.000 đồng/3 quả...
"Dự kiến từ nay đến Tết, các mặt hàng như cam Canh, bưởi Diễn, sâm đất về hàng nhiều hơn, đủ phục vụ nhu cầu của người dân phía Nam trong dịp Tết" chị Thương chia sẻ.
Chị Nguyễn Thu Hà (sống tại quận Phú Nhuận) cho biết: "Các mặt hàng trái cây miền Bắc được bày bán khá nhiều, giá cả rất phải chăng. Ví dụ như bưởi Diễn, sâm đất... giờ không khó để tìm mua như những năm trước".
Dịch Covid-19 đã và đang khiến hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của nhiều ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó xuất khẩu rau quả cũng không ngoại lệ.
Đáng lưu ý, thời điểm này, nhiều trái cây đang vào vụ thu hoạch, nếu không có giải pháp sẽ xảy ra tình trạng "giải cứu", mất giá. Để khắc phục những khó khăn trước mắt, nhiều doanh nghiệp và các thương lái đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Thị trường nội địa "lên ngôi"
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 3 tháng qua, xuất khẩu hàng rau quả giảm liên tiếp sau khi tăng nhẹ trong tháng 8/2020. Tính chung 11 tháng, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 3,01 tỷ USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 1,2% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, giảm 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lâu nay thị trường miền Nam được biết đến là vựa trái cây của cả nước, chuyên cung cấp các sản phẩm trái cây nổi tiếng cho miền Trung và miềm Bắc như xoài, thanh long, sầu riêng, vú sữa… Tuy nhiên, gần đây nhiều mặt hàng trái cây miền Bắc cũng đã trở thành món ăn yêu thích của người miền Nam.
Chị Thương tiết lộ: “Với người dân miền Nam, bưởi Diễn là sản phẩm còn mới lạ vì họ chưa biết, chưa quen. Nhưng qua đợt đưa một số sản phẩm là đặc sản miền Bắc “Nam tiến”, chúng tôi nhận thấy, người dân ở đây rất ưa chuộng trái cây được trồng tại các tỉnh miền Bắc”.
Trong khi đó, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây cũng cho hay, hiện nay, việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang gặp khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp tập trung phát triển chuỗi ở thị trường trong nước, trước mắt là TP.HCM, Hà Nội.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nhìn nhận, để giảm bớt khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu giảm sút, một số doanh nghiệp, HTX đã định hướng kết nối mạnh mẽ vào thị trường nội địa, tìm cách ký kết hợp đồng với các siêu thị, đưa hàng hoá đến với thị trường các tỉnh trên cả nước.
Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng số lượng đơn vị chuyên xuất khẩu có thể quay sang thị trường nội địa là không nhiều, vì bán nội địa đòi hỏi nhiều công sức.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, các loại cam, quýt do nông dân trồng còn gặp nhiều khó khăn tiếp cận các kênh bán hàng hiện đại như siêu thị và cửa hàng tiện ích. Thế nhưng, nhiều loại trái cây có múi nhập khẩu, chẳng hạn cam vàng Nevel Úc xuất hiện với số lượng lớn tại nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích và trưng bày ở những vị trí khá bắt mắt.
Theo các chuyên gia, với dân số hơn 96 triệu dân, Việt Nam là thị trường tiêu thụ trái cây rất tiềm năng, cần được quan tâm khai thác. Thời gian qua, việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nội địa cũng đã khẳng định hiệu quả rõ nét trong những trường hợp đầu ra xuất khẩu có khó khăn.
Đơn cử, trước tình hình giá nhiều loại trái cây trong nước bị sụt giảm mạnh do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp khó vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động “giải cứu” và tăng cường chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại nội địa như thanh long, sầu riêng...
End of content
Không có tin nào tiếp theo