Sự phục hồi chậm của mặt bằng bán lẻ
Hà Nội sẽ xây dựng thêm 10 cầu vượt sông Hồng / Lợi dụng kẽ hở quy chế đấu giá, 'cò' thông đồng nâng giá đất
Sau đại dịch, mặt bằng bán lẻ trung tâm thương mại đang dần hồi phục.
Thị trường bán lẻ tại Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu suy yếu dần kể từ đầu tháng 2/2020 khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát, sau đó là hai đợt tiếp theo vào đầu tháng 4 và cuối tháng 7. Tuy nhiên, thị trường đang cho thấy sự phục hồi trong quý IV/2020 và quý I/2021 nhờ vào các dịp lễ hội cuối năm và Tết Nguyên Đán.
Đơn cử, trong quý III/2020, nguồn cung tại TP. HCM là 1,5 triệu m2, công suất cho thuê trung bình 94%, giảm -2 điểm phần trăm theo năm. Đại dịch đã khiến một số nhà bán lẻ, chủ yếu ở các khu vực ngoài trung tâm phải chấm dứt hợp đồng hoặc chuyển địa điểm thuê. Giá thuê vẫn ổn định so với cùng kỳ năm trước, do các chủ đầu tư có diện tích đã được lấp đầy miễn cưỡng điều chỉnh giá thuê hoặc áp dụng các ưu đãi ngắn hạn, như giảm khoảng 2 USD phí dịch vụ hàng tháng hoặc giảm giá thuê 30% cho khách thuê mới trong vài tháng.
Theo thống kê của Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy của các trung tâm mua sắm là 95%, vẫn ở mức cao nhờ vào việc cân đối hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả của doanh nghiệp. Trong đó, các trung tâm mua sắm với đa dạng các loại hình kinh doanh, giải trí và ăn uống thường có tỷ lệ lấp đầy cao hơn.
Tuy nhiên thị trường cho thuê nhà phố vẫn đối mặt với tình trạng khó khăn, bởi đại dịch Covid-19 tác động trực diện vào loại hình này.Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc, Savills Việt Nam nhìn nhận, các khách thuê là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị mất doanh thu nhanh chóng hơn là các nhà bán lẻ quy mô lớn.
Đại dịch đã buộc họ phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Nhiều chuỗi F&B và chuỗi cửa hàng thời trang phải đóng cửa các cửa hàng có doanh thu kém đã làm tăng diện tích trống chung của cả thị trường.
Các địa điểm bán lẻ phụ thuộc vào khách du lịch ở khu trung tâm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc giãn cách xã hội và việc hạn chế đi lại du lịch. Kể từ đầu tháng 2/2020 nhiều nhà bán lẻ đã không gia hạn hợp đồng thuê. Những khách hàng muốn giữ lại các vị trí đắc địa sau đại dịch phải tạm thời đóng cửa hoặc tìm cách giảm giá thuê. Khảo sát gần đây của Savills cho thấy khách thuê mong muốn chiết khấu lên đến 40% so với mức 20% tối đa được đưa ra.
Việc mặt bằng bán lẻ bị tác động ảnh hưởng bởi dịch cũng đã kéo theo doanh thu bán lẻ và dịch vụ hàng hoá giảm. Trong quý III/2020, doanh số đã giảm 0,1% theo năm. Đến tháng 9/2020, tổng doanh thu ngành này giảm xuống còn 40 tỷ đô la Mỹ, giảm 2% theo năm.
Tác động của đại dịch lên thị trường bán lẻ và sự phục hồi thể hiện rõ theo tháng. Sau làn sóng Covid-19 lần thứ 2, tăng trưởng trong tháng 7/2020 giảm 5% so với tháng trước, tăng lên 2% trong tháng 8 và 11% trong tháng 9.
Đánh giá về xu hướng bùng nổ thương mại điện tử trong năm 2020, ông Troy cho biết, đại dịch đã buộc người mua sắm và nhà bán lẻ phải thay đổi hành vi, tạo cơ hội cho thương mại điện tử. Các nhà bán lẻ truyền thống đã áp dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất và nâng cao dịch vụ. Tập trung nhiều hơn vào các trang web, nền tảng thương mại điện tử và tăng cường tiếp thị trên thiết bị di động và kỹ thuật số đều là những chiến lược tiếp cận mới.
Khi thương mại điện tử phát triển, các dịch vụ giao hàng, đặc biệt là F&B cũng phát triển. Các siêu thị như Coopmart, Vinmart cũng đã mở rộng dịch vụ giao hàng tận nhà.
Về triển vọng thị trường bán lẻ năm 2021, ông Troy đánh giá, hơn 80% nguồn cung bán lẻ mới sẽ ở các khu vực ngoài trung tâm. Những đơn vị vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch kinh doanh như dự định sẽ có thể gặp khó khăn với việc các thương hiệu nước ngoài tạm ngừng gia nhập thị trường và các doanh nghiệp đã thành lập hoãn lại kế hoạch mở rộng.
Một cuộc khảo sát của Savills vào quý III/2020 cho thấy, nhiều khách thuê ngành F&B và thời trang đã đóng cửa hoặc giảm diện tích thuê. Xu hướng giảm quy mô này có khả năng tiếp tục trong trung hạn. Nhưng điểm sáng xuất hiện đó là các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, cải cách cơ chế hỗ trợ, quản trị tài chính của Chính phủ và các chương trình kích thích toàn cầu đã làm tăng kỳ vọng phục hồi ở Việt Nam. Theo báo cáo gần đây nhất của ADB, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng GDP cao nhất ở châu Á với 6,8% năm 2021.
Ông Troy nhận định, giá thuê thấp hơn có thể sẽ tạo động lực cho ngành bán lẻ trong khi các nhà bán lẻ truyền thống sẽ cần phải đổi mới các chiến lược phù hợp hơn. Hầu hết các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như F&B, phòng tập và rạp chiếu phim sẽ phục hồi nhanh hơn sau cuộc khủng hoảng vì người tiêu dùng sẽ nhanh chóng đón nhận sau nhiều tháng giãn cách xã hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng