Trăm người dầm nước ở làng trồng rau cần lớn nhất Đồng Nai
Sơn La: Trồng mít ta ra quả to vật, hái bao nhiêu bán hết bấy nhiêu / Sơn La: Nơi này dân đổi đời nhờ bỏ ngô trồng bưởi Diễn trên đất dốc
Miệt mài với nghề…
Ðến cánh đồng rau cần xã Gia Kiệm vào những ngày giữa tháng 6, mọi người dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ruộng rau cần xanh ngắt, lá non tươi được các lao động hái và bó ngay ngắn trên bờ.
Người lao động thu hoạch rau cần thuê.
Rau cần ở đây được trồng và cho thu hoạch quanh năm nên lúc nào cũng diễn ra cảnh làm việc rất khẩn trương và tấp nập, chỗ thì cấy rau giống, nơi thì tập trung thu hoạch. Một ngày làm rau cần thuê của họ bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc khi chiều muộn, dù trên người lúc nào cũng lấm lem bùn nhưng họ vẫn vui vẻ, tích cực, hăng say với công việc.
Có thâm niên 10 năm làm nghề thu hoạch rau cần, bà Dàng Thị Kha (quê Trà Vinh) miệt mài ngâm mình dưới nước, tay thoăn thoắt gom từng luống rau cần vừa được nhổ đem cho những người rửa rau sạch trước khi bó. Bà được xem là người làm nhanh trong nhóm làm thuê ở đây. Với bà, nghề thu hoạch rau cần không chỉ có thu nhập ổn định mà còn giúp bà và người thân có việc làm lâu dài.
Người dân ấp Tây Kim, xã Gia Kiệm đang thu hoạch cần nước. Ảnh: Hương Giang (Báo Đồng Nai).
Bước sáng tuổi 60, nhưng sức làm việc của bà chẳng thua mấy thanh niên ở độ tuổi đôi mươi trong nhóm thu hoạch cần thuê. Bà cho biết, ở quê, bà và nhiều người trong nhóm làm nghề thu hoạch lúa thuê, làm việc dưới nước nhiều năm nên không ngần ngại ngâm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ để thu hoạch rau cần.
“Nếu như thu hoạch lúa thuê dưới quê, cũng làm thời gian như vậy nhưng một ngày thu được 100.000 - 120.000 đồng mà công việc không ổn định. Còn lên đây làm nghề này, thu nhập cao hơn, bình quân 160.000 - 200.000 đồng/ngày/người. Riêng những người bó cần nhanh thu nhập còn cao hơn nên tôi và các lao động khác gắn bó với nghề lâu như vậy. Bên cạnh đó, lên đây làm được người dân cho ở miễn phí nên chúng tôi đỡ chi phí thuê trọ, có tiền gửi về quê cho con ăn học”, bà Kha chia sẻ.
Cánh đồng trồng bạt ngàn rau cần ở xã Gia Kiệm. Ảnh: Phương Linh.
Còn Sơn Thị Dung (19 tuổi) quê xã Kim Sơn, Trà Vinh cũng theo mẹ lên đây trồng và thu hoạch rau cần thuê. Sinh ra trong gia đình có 6 chị em, cuộc sống khó khăn nên Dung phải nghỉ học sớm đi làm nghề thu hoạch mía từ nhỏ.
Bố Dung làm nghề phụ hồ, công việc bấp bênh nên cả gia đình chờ vào tiền công của mẹ em từ nghề thu hoạch rau cần thuê. Hai năm nay, Dung được mẹ đưa lên đây làm cùng, cũng từ đó, em có bạn bè, có công việc và có nguồn thu nhập để phụ lo cho gia đình.
Vận chuyển rau cần bán cho các đại lý. Ảnh: Hương Giang (Báo Đồng Nai).
Dung chia sẻ: “Ở quê vất vả lắm cô ơi. Ði làm mía thì mang vác nặng, còn theo bố đi làm phụ hồ thì sức khỏe yếu, làm về ốm suốt, tiền công vừa lo tiền thuốc. Lên đây làm nghề thu hoạch rau cần tuy vất vả nhưng nếu mình mệt thì nghỉ, nhổ rau vất vả, em chuyển qua rửa, bó rau cũng phù hợp với sức lao động của mình nên em rất thích nghề này và gắn bó hai năm nay”.
Dung cho biết, ở nhóm đi làm thuê, mọi người rất đoàn kết, hỗ trợ công việc cho nhau nên Dung làm được rất nhiều việc từ trồng cần, hái cần, rửa, bó rau… Với Dung, nghề thu hoạch rau cần là nghề “cứu cánh” để em và mẹ có việc làm ổn định nhiều năm, có thu nhập trang trải cuộc sống cho cả gia đình.
Thu hoạch rau cần nước ở xã Gia Kiệm. Ảnh: Phương Linh.
Nghề thu hoạch rau cần thuê không chỉ thu hút lao động nữ mà nhiều nam giới cũng tìm đến nghề này mưu sinh. Công việc của các anh chủ yếu nhổ rau và vác rau lên bờ. Người nhổ rau phải ngâm mình hàng tiếng đồng hồ dưới ruộng nước sâu gần 1m, dùng tay giật mạnh nhổ rau để người khác rửa và buộc.
Anh Nguyễn Văn Dũng (48 tuổi, quê Sóc Trăng), có thâm niên 12 năm làm thuê trên cánh đồng rau cần đang tất bật với công việc nhổ rau. Hằng ngày, ngâm mình dưới nước sâu 5 - 7 tiếng để thu hoạch rau cần nên người anh lúc nào cũng ướt, mặt đầy bùn và nhễ nhãi mồ hôi. Mỗi ngày làm công việc nhổ rau, anh được trả công 250.000 đồng.
Gia đình anh có 5 người thì đều rời quê lên đây làm nghề này kiếm sống. “So với đi làm phụ hồ thì nghề này không phải mang vác nặng, không nguy hiểm nhưng vất vả ở chỗ còng người ngâm mình dưới nước lâu, bù lại, được trả công xứng đáng với công sức của mình. Tuy nhiên, làm nghề gì cũng cần sự chịu khó, nhẫn nại mới làm được. Tụi tui ở quê sống quen với sông nước, lên đây tiếp cận công việc cũng không mấy xa lạ”, anh Dũng cho hay.
Tạo việc làm cho nhiều lao động
Hiện xã Gia Kiệm có khoảng 100 hộ dân chuyên trồng rau cần trên diện tích tập trung khoảng 30 ha; mỗi năm 4 vụ (khoảng 3 tháng/vụ). Mỗi sào rau cần cho thu hoạch khoảng hơn 5 tấn, có đầu ra ổn định nên tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động đến từ các tỉnh miền Tây như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Long An…
Dù vất vả nhưng người lao động vẫn vui vì có việc làm thường xuyên.
Nhờ đó, nhiều lao động thất nghiệp, phụ nữ nội trợ… có việc làm thường xuyên, có nguồn thu nhập lo cho gia đình, cải thiện cuộc sống. Nhiều người mang cả vợ con đến đây sinh sống và làm thuê gần cả chục năm trên các ruộng rau cần. Ðể giúp họ có cuộc sống ổn định, những người trồng cần đều xây nhà ở miễn phí cho người lao động, giúp họ yên tâm làm việc, gắn bó với nghề.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, một hộ dân làm nghề trồng rau cần lâu năm với diện tích khoảng 3 ha tại địa phương cũng đang tạo việc làm lâu dài cho hàng chục lao động. Gia đình anh xây 2 dãy nhà cấp 4 cho các lao động ở miễn phí. Anh cho biết, người làm công miền Tây họ làm việc rất chăm chỉ và có trách nhiệm, đúng giờ giấc.
Công việc nặng nhất là nhổ rau dành cho lao động nam, còn công việc rửa rau, vặt lá già, cắt phần gốc rễ dính bùn đất và buộc gọn thành bó thường dành cho phụ nữ, mỗi ngày một người có thể có thu nhập từ 160.000 - 300.000 đồng từ việc rửa và buộc rau.
Hễ lúc nào “mối” cần hàng là chủ ruộng rau sẽ gọi người tới thu hoạch. Thời gian thu hoạch không ổn định, khi thì 4 giờ sáng và được nghỉ sớm hoặc muộn tới 18 giờ tối. Cũng có chủ ruộng quan tâm treo dù lên các luống ruộng để che nắng cho người thu hoạch khi trời nắng.
Chia tay những người thu hoạch cần thuê vào chiều muộn, họ vẫn say sưa với công việc để kịp có hàng giao cho các đầu mối. Tiếng í ới trao đổi, nói cười của người lao động bên màu xanh mơn mởn của những ruộng rau đến kỳ thu hoạch… tất cả tạo nên một bức trang đồng quê bình yên nhưng không kém phần rộn rã...
Làm việc trách nhiệm, gắn bó Anh Hoàng Văn Khanh, Phó giám đốc Hợp tác xã rau cần Phương Nam cho hay, nếu như trước đây, những người trồng rau cần phải vất vả đi khắp nơi tìm kiếm lao động khi đến mùa thu hoạch cần thì những năm gần đây, với sự quan tâm, chăm lo về đời sống người lao động, họ đã có lực lượng lao động làm việc trách nhiệm, gắn bó với công việc. Sắp tới, nếu phát triển trồng rau cần theo hướng VietGAP, thu nhập của người dân tăng lên thì người lao động cũng sẽ được quan tâm chu đáo hơn về tiền công và về mọi mặt đời sống. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh