TS Nguyễn Đình Cung: Động lực lớn nhất để tăng trưởng lúc này là đầu tư
Chuyên gia phân tích về vai trò động lực của đầu tư công hiện nay / Việt Nam thiếu lao động có kỹ năng cao đáp ứng cho ngành Logistics
Thưa ông, chúng ta đã đi qua 3/4 chặng đường của năm 2023, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay đạt khoảng 5%, vẫn được coi là "điểm sáng" trong bức tranh xám màu của thế giới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Những khó khăn của năm 2023 đến từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Các đại biểu Quốc hội cần phân tích sâu sắc, bản chất từng con số, dữ liệu, nhất là các động lực tăng trưởng để nhận định rõ tình hình.
Ngành Công nghiệp vẫn có được mức tăng quý sau cao hơn quý trước. Tuy nhiên, mức tăng thấp. Giá trị tăng thêm toàn ngành 9 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023, đóng góp 0,56 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Tăng trưởng Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) đang thấp hơn chỉ số giá trị tăng thêm toàn ngành, 9 tháng năm nay mới bắt đầu ghi nhận mức tăng trưởng dương (tăng 0,3%). Trong giai đoạn phát triển bình thường, IPP cao hơn chỉ số tăng giá trị gia tăng của ngành công nghiệp, có dấu hiệu đi trùng nhau trong vài năm đại dịch nhưng cuối năm đều cao hơn một chút. Tình hình cho thấy, sản xuất công nghiệp của Việt Nam gắn với xuất khẩu, nếu cầu bên ngoài chưa tăng, công nghiệp rất khó có đột biến trong quý IV/2023.
Không chỉ công nghiệp, khu vực dịch vụ cũng đang đối mặt với những khó khăn khi tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm dần qua các quý. Khó khăn cảm nhận rất rõ về sự đi xuống. Về số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2023 tăng 13,9%, quý II tăng 10,9% và quý III/2023 tăng 7,3%, xu hướng tăng chậm lại. Trong 9 tháng năm 2023, có 165.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động; song, có 135.100 doanh rút lui khỏi thị trường, lần lượt tăng 1,2% và 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế trên cần có khảo sát, đánh giá các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, lưu trú. Bán lẻ chỉ tăng ở phân khúc hàng hóa nhu cầu thiết yếu, lương thực - thực phẩm. Thậm chí, khi nói thương mại điện tử tăng nhưng không có nghĩa là tăng thêm ở kênh mới, mà là thay thế kênh bán hàng truyền thống…
Cũng phải nói thêm, theo chu kỳ của tăng trưởng của kinh tế Việt Nam khoảng 10 năm qua, quý IV không phải là quý tăng trưởng cao nhất. Đây cũng là điều cần phải nghiên cứu, làm rõ để có đối sách phù hợp.
Theo ông, động lực tăng trưởng lớn nhất của nền kinh tế lúc này cần dựa vào đâu?
Chỉ có đầu tư mới tạo ra năng lực sản xuất mới, không chỉ đóng góp vào tăng trưởng năm nay mà cho cả các năm tới. Nếu đầu tư chậm, tăng trưởng các năm tới sẽ bị ảnh hưởng. Động lực tăng trưởng lớn nhất hiện nay của nền kinh tế là đầu tư.
Những năm trước, tốc độ tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội thường khoảng 10%, trong đó vốn đầu tư tư nhân khoảng 12 - 13%, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 9 - 10%, đầu tư Nhà nước khoảng 5 - 6%. Tuy nhiên, mấy năm nay, do COVID-19, kinh tế thế giới bất ổn, đầu tư tư nhân giảm mạnh. Trong 9 tháng năm 2023, đầu tư tư nhân đạt mức rất thấp, chỉ tăng 2,3%. Trong khi đó, đầu tư Nhà nước tăng 20 - 23%.
Nếu nhìn vào con số vốn giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,5 điểm phần trăm so với 8 tháng năm 2023 với mức 15,91 tỷ USD. Đây cũng là mức giải ngân cao kỷ lục 9 tháng giai đoạn 2018 - 2023. Tuy nhiên, nếu đó là khoản giải ngân vào sản xuất, đầu tư mới, dự án mới, sẽ tạo ra năng lực sản xuất mới, thúc đẩy đầu tư tư nhân; nhưng nếu đó là phần vốn góp, mua cổ phần, thì tình hình sẽ khác…
Các giải pháp thúc đẩy động lực tăng trưởng ngay lúc này là tập trung làm sao thúc đẩy đầu tư, giải ngân nhanh vốn đầu tư công. Các quyết định đầu tư cần ưu tiên vào các dự án có ý nghĩa thúc đẩy, đầu tư công kéo đầu tư tư, chứ không phải là làm khó đầu tư tư nhân; thu hút các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng để tạo ra năng lực sản xuất mới, chứ các hoạt động mua đi bán lại không phải là đầu tư phát triển. Cần có các giải pháp làm sao thúc đẩy đầu tư tư nhân
Quan điểm của tôi, phải thực sự cắt giảm các quy định tạo ra rào cản cho doanh nghiệp, doanh nghiệp phải cảm nhận được. Trước đây, Chính phủ đã cắt quy trình kiểm tra trong ngành thực phẩm, đã làm thay đổi cả một ngành, chứ không chỉ cắt giảm thủ tục hành chính. Đặc biệt, với doanh nghiệp, khó khăn không tính theo tháng, mà tính theo một số năm, nên lúc này, rất cần sự hậu thuẫn của Nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Kể cả việc tiếp cận với các cơ hội từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, cũng cần sự hỗ trợ để tập trung lực lượng doanh nghiệp, hỗ trợ thủ tục hành chính để có thể tiếp cận và triển khai ngay các dự án đầu tư mới…
Kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển (nhiều về số lượng, đa dạng về ngành nghề, quản trị tốt, năng động, sáng tạo và có năng lực cạnh tranh cao…) là một trong các yếu tố quyết định sức chống chịu của nền kinh tế. Sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp sẽ là động lực tăng trưởng cao bền vững, tạo công công ăn việc làm tốt và ổn định cho người dân, tạo nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước; đóng góp chủ yếu vào các quỹ dự trữ Quốc gia... và cũng là động lực làm cho nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau các biến động lớn, bất thường từ bên ngoài.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT