DNVN - Việt Nam đang nằm trong phân khúc tăng trưởng mạnh mẽ và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng dịch vụ hàng không cao nhất trong khu vực. Tại Việt Nam, những năm gần đây, ngành hàng không tăng trưởng 14-15%, tức là gấp đôi tăng trưởng GDP. Câu hỏi đặt ra là vận tải hàng không có đang tăng trưởng "nóng" hay không?
Chủ đề này đã được các diễn giả thảo luận sâu tại Tọa đàm "Xây dựng môi trường phát triển cho ngành hàng không" diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Hàng không Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển
Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế, hàng không Việt Nam sẽ trở thành thị trường phát triển lớn thứ 5 của thế giới. Tỷ lệ người dân Việt Nam đi máy bay ngày càng tăng cao. Theo đó, hàng không nội địa được dự báo sẽ tăng trưởng trung bình 15% trong thời gian tới và dư địa của ngành hàng không Việt Nam còn rất lớn.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, trong tương lai gần, Việt Nam sẽ cần khoảng 10 hãng hàng không mới. Với nhu cầu lớn như vậy, trong khi các hãng bay do nhà nước quản lý không được lập mới thì sự ra đời của các hãng bay tư nhân là điều tất yếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường và tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người dân trong việc lựa chọn các phương tiện đi lại.
Ông Hồ Quốc Cường, Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, năm 2018, vận chuyển của các hãng hàng không Việt đạt gần 50 triệu hành khách, tăng 10,1% so với 2017 và trên 400 nghìn tấn hàng hóa, tăng 27,2%.
Thành quả của ngành hàng không đã đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng GDP 7,08% của cả nước. Tính cả các hãng hàng không nước ngoài, thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam năm 2018 ước gần 70 triệu khách, tăng 12,6% so năm 2017.
Đánh giá về kết quả này, ông Hồ Quốc Cường cho rằng đây là mức tăng trưởng rất cao, qua đó cho thấy nhu cầu của thị trường hàng không Việt Nam cũng như nhu cầu của thị trường hàng không quốc tế đến Việt Nam là rất lớn, nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển.
Người điều phối tọa đàm đặt câu hỏi đây có thể coi là sự tăng trưởng "nóng" hay không thời gian qua, ông Hồ Quốc Cường cho biết, chính chuyện tăng trưởng tạm gọi là "nóng" này có hai mặt, một là đáp ứng nhu cầu của thị trường nhưng mặt khác cũng gây nên áp lực của thị trường.
Trong khi đó, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân Nguyện Quốc hội: "nóng" hay không "nóng" nằm ở việc đáp ứng được nhu cầu hàng khách hay không. Nhu cầu của người dân đi máy bay rất lớn nhưng thực sự không hẳn "nóng".
Ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không nhận định, sự tăng trưởng của hàng không phụ thuộc vào phát triển kinh tế, xã hội. Thời gian vừa qua, GDP nước ta tăng trưởng cao nên vận tải hàng không tăng trưởng như vậy là tất yếu và phù hợp.
"Tôi cũng cho rằng, để đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng không hiện nay là đòi hỏi không chỉ từ các hãng hàng không mà còn từ các nhà quản lý, hoạch định chính sách", ông Nề nói.
Ở góc độ nghiên cứu, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương, Giảng viên Đại học Giao thông Vận tải phát biểu, do điều kiện kinh tế cải thiện nên người dân nhu cầu đi máy bay lớn, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của vận tải hàng không.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines đánh giá rằng, ông rất ấn tượng nhưng không quá ngạc nhiên với sự phát triển của ngành hàng không từ năm 2014 đến năm 2018.
Giải pháp mở rộng vị thế ngành hàng không
Cho rằng nhu cầu sử dụng dịch vụ hàng không tăng mạnh nhưng khả năng cung ứng của vận tải hàng không hiện nay phát triển chưa tương xứng, bà Phương nhấn mạnh điều kiện quan trọng nhất để Việt Nam phát triển hàng không là cơ sở vật chất, bao gồm hệ thống cảng, hệ thống tàu bay và kiểm soát không lưu. Trong đó, sân bay trung chuyển là yếu tố quan trọng để mở rộng vị thế ngành vận tải hàng không của Việt Nam.
"Nếu có những chính sách phát triển đầu tư các sân bay có tầm cỡ để trở thành sân bay trung chuyển cho hàng không của khu vực thì ngành hàng không Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa", bà Phương nói.
Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Minh lại trăn trở về bài toán liên quan tới cạnh tranh quốc tế và cạnh tranh cửa ngõ.
"Nếu như ở Việt Nam mà không có các sân bay quốc tế tầm cỡ, cửa ngõ, khó có thể cạnh tranh. Có bao nhiêu hãng bay xuyên lục địa đến Việt Nam, giờ đây chỉ có Air France của Pháp và vài hãng hàng không Trung Đông. Vậy bay xuyên lục địa không đến Việt Nam thì họ đi đâu? Singapore, Hồng Kông, Hàn Quốc... 10 năm trước, người Singapore gọi Việt Nam là bus stop – điểm dừng chân gom khách để sang Singapore.
Về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng lại nhìn nhận ở góc độ khác. Theo ông, đây không chỉ đơn giản góc độ hạ tầng sân bay.
"Cơ sở hạ tầng cho hàng không thì liệu có phải chỉ tập trung vào sân bay? Hàng không không phải lĩnh vực sản xuất sản phẩm trực tiếp mà cung ứng dịch vụ, cần phải xem xét đóng góp của họ như thế nào với nền kinh tế, đây là một trong những điểm cần xem xét có tính toàn diện", ông Nhưỡng đặt vấn đề.
Ngoài vấn đề hạ tầng, các diễn giả tại tọa đàm cho rằng, những năm gần đây, hàng không đối diện với nhiều thách thức, thách thức hiện hữu khác như thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thể chế chính sách với sự phát triển của ngành vận tải hàng không cũng là một vấn đề then chốt được các diễn giả đề cập. Với chính sách phát triển, đầu tư sân bay mang tầm cỡ khu vực, hàng không Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển lên tầm khu vực.
Việc xã hội hóa đầu tư và kinh doanh trong ngành hàng không đang là không gian lớn cho sự phát triển, cho sự huy động sức dân. Theo đó, không chỉ các hãng trong nước phải nâng cao chất lượng vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh với nhau, nâng cao năng lực của ngành hàng không nội địa để sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới để cạnh tranh với hãng quốc tế.
Minh Thu