Vì sao thị trường thực phẩm chức năng lên cơn sốt?
DNVN - Có mặt ở thị trường Việt Nam từ năm 1999, tới năm 2005 đã có hơn 1 triệu người bệnh sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) nhằm kết hợp hỗ trợ điều trị bệnh. Đặc biệt, trong một vài năm trở lại đây, TPCN mới thực sự bùng nổ mạnh mẽ. Đâu là lý do khiến thị trường TPCN trở thành một hiện tượng và gây “sốt” tại Việt Nam?
Nhiều giải pháp đảm bảo bình ổn thị trường thịt lợn / Long An: Tích cực trong chương trình nông thôn mới nâng cao
Câu hỏi này đã được các diễn giả đặt ra và giải đáp tại Hội thảo mang tên “Giải mã cơn sốt thực phẩm chức năng” diễn ra chiều 19/11 tại Hà Nội. Sự kiện do Công ty Dược Tâm An – một trong những công ty phân phối TPCN hàng đầu Việt Nam phối hợp với Viện Y Học Cổ Truyền Việt Nam, Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ Thương hiệu Việt Nam, Hiệp hội Thực Phẩm Chức Năng Việt Nam tổ chức.
Tại hội thảo, BS chuyên khoa 2, luật gia Phạm Hưng Củng - Phó Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam khẳng định: Thực phẩm chức năng (TPCN) là những sản phẩm có tác dụng tăng cường duy trì chức năng cơ thể, hỗ trợ điều trị một số bệnh tật, nâng cao thể trạng, giúp cơ thể sống tốt hơn, kéo dài tuổi thọ. TPCN có 5 vai trò chính, đó là chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ; tạo ra sức khỏe sung mãn - tăng sức khỏe tổng thể; giúp cơ thể tăng sức đề kháng, phòng ngừa - giảm thiểu nguy cơ bị bệnh; hỗ trợ điều trị một số bệnh và giúp làm đẹp - đặc biệt là phụ nữ.
Grand View Research - hãng nghiên cứu thị trường ở Mỹ - dự báo rằng, dung lượng thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) toàn cầu sẽ được tăng trưởng mạnh mẽ từ 129.39 tỷ USD vào năm 2015 và cán mốc 200 tỷ USD vào năm 2020. Thậm chí, con số này còn có thể lên đến 250 tỷ USD vào năm 2024.
Đặc biệt, không những ở các nước phát triển mà ngay tại các nước đang phát triển thì thị trường của TPCN cũng trở nên sôi động và nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng cũng như giới chuyên môn và nhà quản lý. Bởi lẽ, dưới những tác động ngày càng xấu đi của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thực phẩm kém chất lượng thì ý thức tự bảo vệ sức khỏe của người dân ngày càng được nâng cao.
Trên thị trường Việt Nam, thực phẩm chức năng có mặt từ năm 1999, tới năm 2005 đã có hơn 1 triệu người bệnh sử dụng TPCN nhằm kết hợp hỗ trợ điều trị bệnh. Việt Nam cũng như Trung Quốc có nguồn thảo dược phong phú, là điều kiện thuận lợi để sản xuất TPCN. Các sản phẩm chức năng sản xuất trong nước hiện đang chiếm ưu thế. Hiện có khoảng trên dưới 4.000 sản phẩm chức năng, trong đó 3/4 là sản phẩm trong nước, số lượng TPCN nhập khẩu chiếm không nhiều.
Lý giải vì sao TPCN ngày càng được sử dụng nhiều, BS Nguyễn Thị Hằng - Phó Viện trưởng Viện Y học Cổ truyền Tuệ Tĩnh cho biết: TPCN bổ sung các chất, vi chất, hoạt chất để tăng cường một số chức năng của cơ thể. và gúp cơ thể tăng sức đề kháng, hồi phục những cấu trúc tế bào bị tổn thương... TPCN có thể dành cho nhiều đối tượng từ trẻ em đến người cao tuổi. Trong khi đặc thù của Việt Nam chủ yếu là thảo dược, bài thuốc dân gian, gia truyền đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Đây là môi trường tốt, là sự lựa chọn tốt cho người tiêu dùng sử dụng TPCN.
Về vấn đề này, Phó Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam lý giải, có 2 nguồn gốc gây bệnh, đó là tác nhân từ bên ngoài và tác nhân từ bên trong cơ thể mỗi người. Trong khi đó, TPCN lại giúp giảm gớt các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài, cũng như những nguy cơ yếu tố gây bệnh từ bên trong. Đây là điều khiến sản phẩm chức năng ngày càng được nhiều người dùng.
Những lưu ý khi dùng TPCN
Theo BS Hằng, có người cho rằng TPCN an toàn và dùng bao nhiêu cũng được. Đây là suy nghĩ không đúng đắn bởi hầu hết các loại thuốc nói chung và TPCN nói riêng đều có khuyến cáo không thích hợp với một số đối tượng như cao huyết áp, suy gan, suy thận… Do đó, nếu ai mắc một chứng bệnh mãn tính, cần đọc kỹ khuyến cáo trước khi mua TPCN.
Sống trong cơn sốt TPCN thì người dùng phải tìm hiểu kỹ các sản phẩm như: Nguồn gốc; Đảm bảo vệ sinh ATTP của bộ Y tế; Nguồn thảo dược, vùng dược liệu sạch như Tam Đảo, Lâm Đồng. Ví dụ như Tâm An vùng dược liệu được trồng tại Tây Thiên Tam Đảo và Sapa; Sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn GMP hay không; Đọc kỹ các thông tin ghi rõ trên bao bì sản phẩm như liều lượng, cách dùng, công dụng. Điều quan trọng là phải xem sản phẩm đó có phù hợp với tiêu chí lựa chọn của mình hay không.
"Mặc dù TPCN tốt nhưng không nên quá lệ thuộc vào nó. Để hiệu quả trong chống đỡ các tác nhân gây bệnh, cải thiện chức năng của cơ thể, hỗ trợ điều trị, mỗi người nên duy trì chế độ ăn uống cho khoa học, hợp lý, đầy đủ chất cơ thể cần; duy trì hoạt động thể thao, tập luyện để tăng cường thể lực; duy trì tinh thần lạc quan, thoải mái. Tất cả những điều đó kết hợp lại mới cải thiện được sức khỏe và phòng ngừa được bệnh tật", BS Hằng khuyến nghị.
Trong khi đó, Tiến sĩ Vũ Thiện Vương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam lại đề cập đến việc thị trường TPCN bị làm giả quá nhiều khiến người tiêu dùng không tin tưởng. Làm thế nào để bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh TPCN được bán tràn lan trên thị trường?
Thực tế cho thấy, bên cạnh những doanh nghiệp sản xuất TPCN đáng tin cậy, nhiều công ty sản xuất hàng kém chất lượng và hàng giả. Để giải quyết tình trạng này, Tiến sĩ Vương cho rằng, phải có sự vào cuộc và nỗ lực của tất cả các ban, ngành, doanh nghiệp và người dân.
Đánh giá cao chủ đề hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết, sự kiện đã giúp mọi người hiểu sâu hơn về TPCN trong bối cảnh không chỉ riêng Việt Nam mà thế giới đang ngày càng dùng nhiều thực phẩm này, trong đó 50 - 60% người Mỹ dùng TPCN. Tuy thu nhập của người Việt Nam chưa cao nhưng nhiều người đã tìm hiểu và dùng TPCN. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần tìm hiểu đúng, kỹ về sản phẩm, để tránh lợi bất cập hại. NTD phải tiếp cận một cách khoa học và hãy là người mua hàng thông thái trong bối cảnh "vàng thau - thật giả lẫn lộn".
Ông Hùng cũng đề xuất rằng, vai trò của Nhà nước cần được tăng cường hơn nữa để bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Chỉ như vậy thì Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mới phát huy hiệu quả, tiến tới thực hiện được mục tiêu "hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam".
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo