Việt Nam nhập siêu tháng thứ 2 liên tiếp
DNVN - Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2021 chịu tác động mạnh của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại một số tỉnh miền Bắc. Ước tính kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm so với tháng trước và Việt Nam nhập siêu tháng thứ 2 liên tiếp.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Xây dựng các mô hình chuỗi khép kín sẽ là giải pháp bền vững để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch / Đà Nẵng: Sử dụng thẻ QR-Code vào 4 chợ lớn trên địa bàn còn quá thấp
Tổng cục Thống kê cho biết, ước tính tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 26 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng trước. Hầu hết các sản phẩm trong nhóm 6 mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD đều giảm hoặc tăng thấp so với tháng trước, bao gồm: Điện thoại và linh kiện giảm 3%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 18%; dệt may tăng 3,7%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 0,1%.
Về nhập khẩu, tổng kim ngạch tháng 5 đầu năm 2021 ước tính đạt 28 tỷ USD tăng nhẹ 0,8% so với tháng trước. Nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất trong tháng 5 là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,2% so với tháng trước. Ngoài ra, còn một số nhóm hàng nhập khẩu “tỷ USD” khác đều giảm hoặc tăng thấp so với tháng trước như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 3,9 tỷ USD, giảm 0,6%; điện thoại và linh kiện đạt 1,3 tỷ USD, giảm 3,2%; chất dẻo đạt 1,1 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5%.
Ảnh minh họa.
Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa tháng 5/2021 ước tính nhập siêu 2 tỷ USD, là tháng thứ 2 liên tiếp nhập siêu, sau khi tháng 4 đã nhập siêu 1,23 tỷ USD. Tính chung 5 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 130,94 tỷ USD, nhập khẩu đạt 131,31 tỷ USD. Với mức thâm hụt thương mại 2 tỷ USD trong tháng 5, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5 năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa quay trở lại nhập siêu 369 triệu USD trong khi cùng kỳ năm 2020 xuất siêu 3,9 tỷ USD.
Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, việc xuất khẩu sụt giảm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố trọng điểm ở khu vực miền Bắc, trong đó Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội là 3 trong số 8 địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu từ 10 tỷ USD trở lên (tính trong 4 tháng đầu năm 2021), là một khó khăn rất lớn đặt ra cho các địa phương trên cả nước trong việc bảo vệ các khu công nghiệp chống lại sự lây lan của dịch bệnh. Trong tháng 5, Bắc Giang là địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp nhất với gần 2.000 ca bệnh mới trong vòng 1 tháng. Đây đang là địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng hết sức ấn tượng trong những năm gần đây. Trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 10,38 tỷ USD, tăng 83,3% so với cùng kỳ năm trước (4 tháng đầu năm 2020 tăng 54,4% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó xuất khẩu đạt 5,15 tỷ USD, tăng 82,8%; nhập khẩu đạt 5,23 tỷ USD, tăng 83,7%.
Dự báo trong các ngày tới dịch bệnh vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp khó lường, khó kiểm soát, nhất là tại các khu công nghiệp, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế – xã hội, đặc biệt là tại các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Trong tình hình đó, việc bảo vệ các khu công nghiệp là vấn đề mấu chốt để kiểm soát dịch bệnh.
Sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 hôm 24/5, Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo số 121/TB-VPCP thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục tập trung phòng chống dịch tích cực hiệu quả hơn nữa; cần phá huy tốt các thành quả đã đạt được, đúc rút kinh nghiệm điều chỉnh để nhanh chóng thích ứng với diễn biến mới của dịch bệnh bằng các nhiệm vụ giải pháp phù hợp hiệu quả; phải hết sức bình tĩnh sáng suốt bản lĩnh linh hoạt sáng tạo để xử lý và xem khó khăn, thách thức là động lực để vươn lên, để vượt qua và để trưởng thành; trong đó tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ liên quan đến các khu công nghiệp.
"Chúng tôi tin tưởng rằng với những giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ sớm khống chế được đợt dịch COVID-19 lần này, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới", đại diện Tổng cục Thống kê chia sẻ.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Cột tin quảng cáo