Thị trường

Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Xây dựng các mô hình chuỗi khép kín sẽ là giải pháp bền vững để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch

DNVN - Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam, Bộ này đang hướng đến việc xây dựng các mô hình chuỗi khép kín với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất... Bộ đánh giá các mô hình chuỗi khép kín này sẽ là giải pháp bền vững để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch.

Điểm danh 4 nhóm hàng xuất khẩu 10 tỷ USD / Tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu tăng 30,7%

Ngày 3/6, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến "Tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19".

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22,8 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13,0%; lâm sản chính đạt 7,06 tỷ USD, tăng 61,8%; thủy sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12,0%; chăn nuôi ước đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%.

Từ đầu năm đến nay tình hình tiêu thụ nông sản gặp khó khăn ở những mặt hàng cụ thể, vì cả những lý do khách quan lẫn chủ quan. Đối với thị trường trong nước, tiêu thụ thịt gia cầm trong nước hiện ở mức giá thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng cao khiến cho người chăn nuôi gặp khó khăn. Bên cạnh đó là ách tắc trong khâu lưu thông do dịch Covid-19 đầu năm 2021 khiến cho các loại rau vụ đông tại Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và các huyện vùng ven Hà Nội bị dư thừa cục bộ...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, đơn vị hiện đang đàm phán để mở cửa 19 thị trường cho 20 loại sản phẩm (trái cây, hạt giống, gạo, hoa, đậu đỗ, khoai lang…). Hỗ trợ xử lý đàm phán tháo gỡ các tình huống kỹ thuật phát sinh trong quá trình xuất khẩu, đặc biệt là thông báo không tuân thủ liên quan đến kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường, bà Hương đề nghị các đơn vị, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, địa phương phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ thực vật trong tuyên truyền, phổ biến các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, quản lý dịch hại tổng hợp; quy định về kiểm dịch thực vật và thuốc bảo vệ thực vật của nước nhập khẩu.

Các địa phương xây dựng các vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số hướng tới mục tiêu quản lý chất lượng nông sản ngay từ gốc phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số, triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm xuất khẩu.

Về các sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, để xuất khẩu sản phẩm động vật sang các nước, chúng ta phải đảm bảo tuân thủ quy định của quốc tế, cụ thể là theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Theo đó, động vật, sản phẩm động vật phải xuất phát từ quốc gia, vùng lãnh thổ có cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn sinh học. Trong thời gian qua, Cục Thú y đã và đang tổ chức đàm phán với các nước liên quan đến việc xuất khẩu sản phẩm động vật.

Tính đến hết tháng 5/2021, Việt Nam có 2.288 cơ sở, các chuỗi sản xuất khéo kín và vùng an toàn dịch bệnh tại 54 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu được thì phải đảm bảo sản phẩm trong vùng an toàn dịch bệnh của OIE. Hiện Cục Thú y đang phối hợp với các địa phương nâng cấp các vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn Việt Nam lên theo tiêu chuẩn OIE.

Ông Nguyễn Văn Long kiến nghị, các địa phương, thành phố cần có kế hoạch xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; trong đó cần lưu ý việc phân bố các loại sản phẩm chăn nuôi, chẳng hạn cần phân ra khu nào tập trung chăn nuôi gà là chính, khu nào nuôi lợn là chính... Quan trọng hơn nữa là kiểm soát vùng đó đảm bảo an toàn dịch bệnh, nhất là việc kiểm soát động vật, sản phẩm động vật, điển hình như nguy cơ từ việc mang sản phẩm thịt lợn mang dịch tả lợn châu Phi.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, vai trò chủ động của Sở NN&PTNT các tỉnh, TP là rất quan trọng. Đặc biệt là trong việc tham mưu UBND các tỉnh, TP có những giải pháp kịp thời để không còn câu chuyện “giải cứu” nông sản.

“Hiện, Bộ NN&PTNT đang hướng đến việc xây dựng các mô hình chuỗi khép kín với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất... Bộ đánh giá các mô hình chuỗi khép kín này sẽ là giải pháp bền vững để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong mùa dịch” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Riêng đối với Hà Nội - địa phương có khối lượng tiêu thụ nông sản lớn nhất của cả nước, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu UBND TP Hà Nội tổ chức họp trực tuyến với 21 tỉnh, TP trong ban điều phối cung ứng nông sản, thực phẩm cho Thủ đô. Cụ thể hoá bằng văn bản để tiến tới phối hợp xây dựng các chuỗi liên kết khép kín nhằm tiêu thụ nông sản, thực phẩm ổn định, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh.


Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm